Hà Giang: Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành niên vụ 2017 – 2018
Cam sành là loài cây ăn quả đặc sản của Hà Giang và được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Cam sành Hà Giang bước vào giai đoạn chín từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch của năm sau.
Nhận thấy cây cam sành mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân, UBND tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách nhằm ưu tiên mở rộng diện tích và không ngừng nâng cao giá trị của sản phẩm cam sành.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai hiệu quả các chương trình như “Chương trình Phục hồi và phát triển cây cam sành”, “Chương trình Đẩy mạnh phát triển cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP”… Nhờ đó, năng suất và giá trị của sản phẩm cam sành Hà Giang không ngừng được nâng lên. Nếu như năm 2012 (năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển cây cam sành), diện tích cam sành của Hà Giang chỉ có 3.056 ha, năng suất đạt bình quân 52 tạ/ha thì đến niên vụ cam 2016 – 2017, tổng diện tích trồng cam sành của Hà Giang đã đạt 7.900 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt gần 3.659 ha và năng suất đã đạt bình quân 91 tạ/ha, cá biệt có nhà vườn tại xã Vĩnh Hảo huyện Bắc Quang cho năng suất cam đạt trên 120 tạ/ha. Bên cạnh đó, uy tín của sản phẩm cam sành Hà Giang đối với người tiêu dùng cũng không ngừng được nâng lên. Trong những năm qua, cam sành Hà Giang đã khẳng định được thương hiệu và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.
Trong niên vụ 2017 – 2018, tổng diện tích cam sành của Hà Giang ước đạt khoảng 8.850 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt trên 4.500 ha và sản lượng ước đạt 48.000 tấn (tăng từ 40 đến 50% sản lượng so với niên vụ 2016 -2017). Trong đó, diện tích cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP là 2.768,6 ha, trong đó có 38 cơ sở trồng cam với 1.540,7 ha diện tích cam đã được cấp Giấy chứng nhận; diện tích cam sành đang được triển khai áp dụng quy trình sản xuất để đánh giá, cấp chứng nhận trong tháng 11.2017 là 1.236 ha của 22 cơ sở trồng cam…
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Cam sành là một trong 6 sản phẩm đặc thù trong “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020” và là sản phẩm chủ lực để phát triển kinh tế của 3 huyện trồng cam; do đó, các ngành chức năng và các điah phương trong tỉnh đang đẩy mạnh chỉ đạo từ khâu chăm sóc, thu hái, bảo quản và tiêu thụ cam sành trong niên vụ 2017 – 2018; lựa chọn 01 tổ công tác có kinh nghiệm nhằm tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc cam từ khi giai đoạn đầu đến khi vào vụ thu hoạch, kỹ thuật thu hoạch cam, kỹ thuật bảo quản cam sau thu hoạch cho toàn bộ các hộ trồng cam bằng kinh nghiệm trực tiếp ngay tại vườn; triển khai đưa 100% số hộ trồng cam vào tổ chức hội của mình như các nhóm sở thích, các HTX… để từ đó có thể định ngày thu hoạch và định hướng giá cả khi xuất bán cam ra thị trường. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện trồng cam lắp đặt các biển hiệu, quảng cáo tại các địa điểm bán cam sành trên tuyến Quốc lộ 2 (đường Hà Giang – Hà Nội); khuyến cáo các nông hộ và cơ sở sản xuất trong quá trình quản lý, sử dụng tem nhãn, bao bì phải có lô gô của cam sành Hà Giang theo Chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành Hà Giang qua các hội thi cam; tăng cường công tác quản lý tem, nhãn mác, cải tiến hình thức tem nhãn và bao bì, tiến tới sản xuất cam sành theo đúng quy trình VietGAP…/.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()