Hà Giang tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số
Ðể nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy Hà Giang quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này với những cách làm cụ thể, phù hợp điều kiện của địa phương, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một tỉnh nơi địa đầu Tổ quốc còn nhiều khó khăn.
Người La Chí đầu tiên sắp nhận bằng tiến sĩ
Chị Vương Ngọc Hà (sinh năm 1977), Bí thư Tỉnh đoàn Hà Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðoàn khóa X, là con gái nhà báo Vương Văn Phát. Ông Phát là người dân tộc La Chí ở Bản Máy, huyện vùng cao Hoàng Su Phì, từng là Trưởng phân xã TTXVN tại Hà Giang. Người con gái La Chí, Vương Ngọc Hà về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang ngay sau khi tốt nghiệp Ðại học Luật Hà Nội. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, chị tiếp tục học cao học, mong muốn có thêm cơ hội để phục vụ tốt hơn cho mảnh đất vùng cao Hà Giang. Năm 2006, chị trở thành người phụ nữ La Chí đầu tiên giành tấm bằng thạc sĩ luật, chuyên ngành điều tra tội phạm. Với kinh nghiệm thực tiễn và lý thuyết được trau dồi, chị có những đóng góp hiệu quả cho công tác điều tra tội phạm của Công an tỉnh Hà Giang. Khi chị vui mừng thông báo, đã hoàn thành luận án và đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ trước tháng 11 năm nay, chúng tôi thật sự khâm phục những cố gắng âm thầm không mệt mỏi của người phụ nữ La Chí này. “Tôi rất tâm đắc và cảm ơn Tỉnh ủy Hà Giang có chủ trương đột phá trong công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số trong hai nhiệm kỳ qua. Nhờ thế mà tôi và nhiều người khác có cơ hội phấn đấu vươn lên, nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ công việc tốt hơn” – Chị Vương Ngọc Hà chia sẻ,
Ðến trạm biến áp Chín Sang, xã biên giới Cao Mã Pờ, huyện vùng cao Quản Bạ, chúng tôi gặp kỹ sư điện Lệnh Thế Tùng, Giám đốc Chi nhánh điện Quản Bạ. Anh Lệnh Thế Tùng sinh năm 1976, cũng là một minh chứng về chủ trương đột phá trong đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số của Hà Giang. Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại Quản Bạ, nơi có địa danh Núi Ðôi và Cổng trời kiêu hãnh ở cao nguyên đá này, anh được học Trường Dân tộc nội trú tại huyện, sau đó giành tấm bằng kỹ sư điện tại Ðại học Công nghiệp Thái Nguyên và trở về quê hương công tác. Là cán bộ trẻ, trưởng thành trong quá trình lăn lộn thực tiễn ở cơ sở, đến nay, anh Lệnh Thế Tùng đã giữ cương vị Giám đốc Chi nhánh điện của huyện, bí thư chi bộ gần mười năm.
“Ngôi nhà cán bộ” – phải xây từ gốc
Các nhiệm kỳ qua, công tác tổ chức, cán bộ ở tỉnh Hà Giang ngày càng có nhiều đổi mới và đột phá, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp. Ðể có những con em đồng bào các dân tộc thiểu số được “chọn mặt gửi vàng”, Tỉnh ủy Hà Giang thành lập 124 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú từ nhiều năm nay. Con em đồng bào các dân tộc ở vùng cao được ưu tiên, khuyến khích cử tuyển đi học chuyên môn ở ngoài tỉnh và học văn hóa ở các trường dân tộc nội trú trong tỉnh. Những năm gần đây, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong tỉnh tăng nhanh, nhiều cán bộ người Mông, người Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, La Chí… có trình độ sau đại học. Ngoài ra, Hà Giang còn thực hiện chủ trương “đưa cán bộ xã lên học việc ở huyện sáu tháng; đưa cán bộ thôn lên học việc ở xã một tháng”. Cách làm này giúp cán bộ nâng cao tầm nhìn, trau dồi kỹ năng tổ chức điều hành và củng cố thêm chuyên môn, nghiệp vụ, tăng tính chuyên nghiệp trong công tác.
Những năm gần đây, Tỉnh ủy Hà Giang thực hiện đồng bộ từ quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển đến bố trí sử dụng cán bộ. Trong đó công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có những chuyển biến tích cực, cơ bản bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu. Nhiệm kỳ vừa qua, Tỉnh ủy Hà Giang luân chuyển 15 cán bộ chủ chốt các ban, sở, ngành về huyện, thành phố; 23 cán bộ huyện, thành phố về tỉnh; luân chuyển giữa các ngành 41 cán bộ; giữa các huyện ba người. 146 cán bộ được cử đi đào tạo về công tác xây dựng Ðảng; bốn cán bộ học lớp dự nguồn cao cấp tại Hà Nội; 502 cán bộ học cao cấp lý luận chính trị,… Ðiển hình là huyện Quang Bình, lựa chọn và cử tuyển 30 con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đại học để tạo nguồn cán bộ. Trong huyện, số cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số chiếm 67%, trong đó cán bộ giữ chức trưởng, phó các ban, ngành là hơn 55,8%; cán bộ trong độ tuổi dưới 45, gần 53,5% .
Ðể tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy Hà Giang xác định cái gốc là phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú; đồng thời chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số vào những vị trí phù hợp ở địa phương, cơ sở. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị, chính quyền, đoàn thể xã hội về công tác tạo nguồn cán bộ. Quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng viên là người dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô,… Ðến nay, tất cả các thôn, bản người Mông đều có đảng viên. Nhiệm kỳ 2010-2015, cán bộ là người dân tộc Mông tham gia cấp ủy ở cấp tỉnh chiếm 16,6%, tham gia cấp ủy cấp huyện là 18,8%.
Song điều băn khoăn là, giữa các cấp, các ngành đang có sự chênh lệch về tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số: ở cấp xã cao hơn cấp huyện, cấp huyện cao hơn cấp tỉnh; khối Ðảng, đoàn thể cao hơn khối chính quyền. Tỷ lệ này còn có sự chênh lệch lớn hơn khi so sánh về cơ cấu dân cư. Chẳng hạn, ở huyện Ðồng Văn, nơi đồng bào Mông chiếm 89% dân số, nhưng cán bộ là người Mông chỉ có 21% tổng số cán bộ của huyện. Thực tế là, ở Hà Giang, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số được đào tạo từ nhiều nguồn và bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó phần lớn cán bộ trưởng thành trong quân đội và trực tiếp lao động sản xuất, có trình độ chuyên môn thấp, dù được đào tạo, bồi dưỡng trong quá trình công tác, song vẫn thiếu hụt kiến thức mang tính hệ thống và cơ bản. Một số cán bộ lớp trẻ được đào tạo bài bản, sâu về chuyên môn, đã và đang tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng theo hệ thống chương trình, gồm: lý luận chính trị, kỹ năng quản lý nhà nước, quản lý kinh tế (ngắn hạn từ một đến ba tháng) và một số chương trình hỗ trợ khác. Vấn đề là làm thế nào để bố trí cán bộ bảo đảm ba độ tuổi, có già, có trẻ. Thực tế để tìm được lời giải không dễ.
Ðồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn
Cách đây năm năm, sự kiện Cao nguyên đá Ðồng Văn (gồm bốn huyện Quản Bạ, Ðồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh) được UNESCO công nhận và gia nhập mạng lưới Công viên Ðịa chất toàn cầu, là cú huých với Hà Giang, góp phần thu hút khách du lịch, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo. Cùng với nhiều cơ hội khác, Hà Giang đang đứng trước cánh cửa rộng mở để phát triển, nhưng cũng còn không ít khó khăn. Muốn nắm bắt tốt cơ hội, vượt qua thách thức, thì khâu đầu tiên là phải chăm lo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ người dân tộc thiểu số.
Trên thực tế, nhận thức của một số cấp ủy về công tác cán bộ chưa đầy đủ, trình độ của đội ngũ cán bộ ở cơ sở vùng sâu, xa còn hạn chế; sự phối hợp của các ngành trong tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số có nơi, có lúc chưa đồng bộ. Trong khi đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số còn những hạn chế, yếu kém, một số chưa khắc phục được tâm lý tự ti, ngại học tập, tiếp thu cái mới. Một số cán bộ xử lý công việc thường nặng tình làng, nghĩa xóm, hay dòng họ dẫn đến vi phạm pháp luật… Chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số còn thiếu đồng bộ. Ðịa phương nào có nguồn thu lớn, thì mạnh dạn đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng; địa phương nào ít có nguồn thu thì dè dặt chi cho công tác này! Việc đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh chưa được chú ý đúng mức, thậm chí có nơi, có lúc còn mang tính tự phát. Một bộ phận cán bộ còn tư duy kiểu “cần gì, học nấy”, cho nên có những trường hợp cùng một thời gian tham gia học hai lớp.
Ðể khắc phục những yếu kém nêu trên, nâng cao toàn diện chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, tỉnh tập trung quyết liệt cho công tác cán bộ, nhất là nhân dịp đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020. Tỉnh ủy coi đây là cơ hội để nâng cao chất lượng cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Mặt khác, Tỉnh ủy thường xuyên chăm lo, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ chủ chốt, gắn quy hoạch với nhu cầu sử dụng, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số; đồng thời chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới. Tỉnh tiếp tục triển khai có chiều sâu “Ðề án hợp đồng trí thức trẻ” – cách làm đột phá của Hà Giang, nâng tầm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với đào tạo, bồi dưỡng; coi trọng và thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ; từng bước thực hiện chuẩn hóa cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở. Thực hiện nghiêm túc các Ðề án về vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác tuyển dụng, thí điểm việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo một số ngành; tiếp tục thực hiện và nhân rộng việc nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo cấp huyện, cấp xã ở những nơi có điều kiện.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()