Hà Giang phát triển kinh tế hợp tác xã
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), khu vực KTTT tỉnh Hà Giang có những chuyển biến tích cực. Nhiều HTX được thành lập, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực; số tổ hợp tác tiếp tục tăng.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), khu vực KTTT tỉnh Hà Giang có những chuyển biến tích cực. Nhiều HTX được thành lập, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực; số tổ hợp tác tiếp tục tăng.
Nhiều HTX đã được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động, trong đó xuất hiện một số điển hình tiên tiến, hỗ trợ tốt hơn kinh tế hộ xã viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động.
Từ một tổ hợp tác nhỏ lẻ tại thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, trở thành một HTX có quy mô lớn và đang sở hữu một trong những danh trà thứ thiệt của Hà Giang với thương hiệu FÌN HÒ TRÀ – đó là HTX sản xuất chế biến chè Phìn Hồ. Có thể nhận thấy, sức lan tỏa của Nghị quyết T.Ư 5 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã góp phần làm nên những thành công của HTX. Gian nan từ những ngày đầu khởi nghiệp và chính thức đi vào hoạt động năm 2007, với sự trợ giúp về vốn, cơ chế chính sách thông thoáng của các huyện, các ngành và Liên minh HTX tỉnh cùng sự năng động dám nghĩ, dám làm của Ban chủ nhiệm HTX, HTX sản xuất chè Phìn Hồ đã trụ vững và phát triển trở thành một trong những HTX tiêu biểu của Hà Giang về sản xuất, chế biến kinh doanh chè, là một trong những mô hình điểm của huyện Hoàng Su Phì về phát triển kinh tế tập thể đem lại hiệu quả nhất. Bà Ðỗ Thị Viết, xã viên HTX chè Phìn Hồ cho hay: Nhờ chính sách đổi mới của Nhà nước trong phát triển KTTT mà người dân là những xã viên có việc làm và thu nhập ổn định.
HTX dịch vụ thương mại Phương Anh, thị trấn Vinh Quang lại có hướng đi khác – phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp, điều ít thấy ở những huyện miền núi như Hoàng Su Phì. Với sự giúp đỡ của huyện về con giống và hỗ trợ mặt bằng, HTX đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mô hình nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp. Ðến nay, qua hơn một năm triển khai thực hiện, HTX Phương Anh đã có cơ ngơi bề thế với 23 con lợn sinh sản và đàn lợn hơn 100 con đang chờ xuất bán. HTX đã biết tận dụng tối đa nguồn lực của địa phương cũng như những nỗ lực của Ban quản trị HTX trong tìm hướng đi cho riêng mình. Hiện nay, HTX bảo đảm công ăn việc làm cho năm xã viên với mức thu nhập hơn ba triệu đồng/người/tháng. HTX đang là mô hình điểm của huyện để nhân rộng ra các xã khác. Chủ nhiệm HTX thương mại dịch vụ Phương Anh Hoàng Việt Thắng cho hay: Phát triển KTTT là những hướng đi đúng của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho những HTX như chúng tôi phát triển sản xuất. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Hoàng Hải Lý cho biết: Huyện hiện có 37 HTX đang hoạt động, với những bước đi linh hoạt sáng tạo trong phát triển kinh tế hợp tác. Từ một huyện thuần nông, ngành nghề chưa phong phú, nhưng khi thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 5 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT huyện đã có những bước đi táo bạo trong phát triển KTTT tại địa phương, góp phần thực hiện tốt công cuộc xây dựng nông thôn miền núi của huyện với đa ngành nghề, đa lĩnh vực.
Tính đến ngày 31-12-2012, toàn tỉnh Hà Giang có 722 HTX và 6.232 tổ hợp tác với 60.280 người tham gia, hoạt động đa dạng trong các ngành và các lĩnh vực. Trong đó có 190 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 187 HTX thương mại dịch vụ tổng hợp; 117 HTX xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng; 180 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; 36 HTX giao thông vận tải, tín dụng và một số HTX quản lý chợ, nhà hàng, nhà nghỉ… với tổng vốn điều lệ của các HTX là 214,025 tỷ đồng. Trong 10 năm qua, số lượng HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang có sự gia tăng nhanh chóng, bình quân mỗi năm phát triển thêm 54 HTX, với những tác động tích cực từ quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khu vực KTTT mà nòng cốt là các HTX đã có những chuyển biến tích cực, từng bước phát triển ổn định và bền vững hơn. Các HTX thành lập mới nhìn chung tuân thủ các quy định của Luật HTX; xã viên tham gia tự nguyện và không chỉ giới hạn các cá nhân, hộ kinh tế gia đình mà còn có các chủ trang trại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa. Ðây là một khu vực kinh tế – xã hội rộng lớn có tác động quan trọng, không thể thay thế được đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là những ngành nghề, như nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản, tín dụng nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, vận tải hàng hóa, hành khách… và có ảnh hưởng trực tiếp đời sống, công ăn việc làm, thu nhập cho các hộ gia đình đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng cao của tỉnh, góp phần đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang Phạm Quang Tuyên cho biết: Nhìn lại mười năm phát triển KTTT có những dấu ấn quan trọng đối với Hà Giang. Phát triển là vậy, nhưng cho đến nay, KTTT vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết T.Ư đặt ra. Nhiều hạn chế yếu kém được chỉ ra qua sơ kết năm năm đến nay vẫn chưa được khắc phục, như về quy mô, phạm vi, mô hình tổ chức, đào tạo cán bộ, cơ chế quản lý; hiệu quả và đóng góp của KTTT. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức và các quan điểm phát triển KTTT chưa đầy đủ, chưa thống nhất, có lúc lúng túng; chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện bản chất, vai trò của KTTT, thậm chí còn đồng nhất HTX với doanh nghiệp; công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền chưa ráo riết, quyết liệt… Các HTX là những tổ chức có nội dung hoạt động kinh tế – xã hội phức tạp, quy mô thành viên và lao động lớn nhưng năng lực nội tại cả về vốn, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, trình độ quản lý rất yếu và tình trạng này kéo dài liên tục trong nhiều năm.
Nghị quyết T.Ư 5 về phát triển KTTT là một chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước. Quá trình thực hiện đòi hỏi phải kiên trì, xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội của từng vùng, miền, địa phương, tránh hình thức, gò ép hoặc buông lỏng. Phải bảo đảm HTX là tổ chức KTTT, đồng sở hữu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, do các thành viên tự nguyện thành lập nhằm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, trên cơ sở bình đẳng, dân chủ, cùng có lợi và hoạt động theo đúng Luật HTX, có như vậy KTTT mới tồn tại và phát triển bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()