Hà Giang phấn đấu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (gồm Mèo vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần).
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh triển khai các chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Giang đã được giảm nhanh qua các năm. Trong 5 năm (từ 2011 – 2015), toàn tỉnh Hà Giang đã giảm được 32.368 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm từ 41,8% vào năm 2011 xuống còn 18,1% vào cuối năm 2015 (bình quân mỗi năm giảm 4,74%); riêng 6 huyện nghèo đã giảm được 23.271 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 61,64% vào năm 2011 xuống còn 26,49% vào cuối năm 2015 (bình quân mỗi năm 6 huyện nghèo giảm 7,03%).
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của Hà Giang chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn khá cao. Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo vào cuối năm 2015 (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020), toàn tỉnh Hà Giang có 74.313 hộ thuộc diện hộ nghèo, chiếm 43,65% tổng số hộ của toàn tỉnh; trong đó, riêng 6 huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,03% tổng số hộ trên địa bàn của 6 huyện nghèo. Số hộ cận nghèo là 19.371 hộ, chiếm 11,38% tổng số hộ trên toàn tỉnh.
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và hạn chế hiện tượng tái nghèo, từ nay đến năm 2020, tỉnh Hà Giang sẽ thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm, riêng các huyện và xã nghèo thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 6%/năm. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo. Thực hiện cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người nghèo, đảm bảo bình quân thu nhập đầu người của người nghèo tăng 2 lần so với năm 2015 (năm 2015, bình quân thu nhập của người nghèo là 6,1 triệu đồng/năm). Phấn đấu trên 98,2% số người trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế, 100% số hộ gia đình có người ốm đau được đưa đi khám chữa bệnh; tỷ lệ trẻ em từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 99%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương đạt trên 75%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 45%; 100% số hộ nghèo giai đoạn 2011 – 2015 không có khả năng tự cải thiện nhà ở sẽ được hỗ trợ xóa nhà tạm; trên 90% dân số thành thị được sử dụng nước sạch, 85% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 90% số hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ dân được tiếp cận, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thông qua các chương trình phát thanh truyền hình, sách báo và ấn phẩm truyền thông.
Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh được đầu tư phù hợp với quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân; trước hết là cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện và nước sinh hoạt. Phấn đấu 100% số thôn, bản có đường đi được xe cơ giới; 94,4% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia.
Trong đó, các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2020 là: Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều trên địa bàn toàn tỉnh giảm còn 22,6%, có trên 35.000 hộ thoát nghèo bền vững; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn tỉnh đạt 30 triệu đồng/năm. Phấn đấu có 845.000 người tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trẻ em từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 99%; tỷ lệ người biết chữ đạt 80%; 4.117 hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, không có khả năng cải thiện về nhà ở, hộ gia đình chính sách, người có công được hỗ trợ xóa nhà tạm. Trên 110.000 người dân thành thị được sử dụng nước sạch, 635.000 người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Phấn đấu ít nhất có 01 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a/2008/NQ – CP…/.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()