Hà Giang: Nghị quyết 30a thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững
Sau 5 năm triển khai thực hiện (từ năm 2009 – 2013), Chương trình thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ đã góp phần quan trọng, là nguồn lực thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 6 huyện nghèo của tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đã thu được những kết quả bước đầu khả quan. Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo đã tạo cơ hội cho họ ngày càng tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ như y tế, giáo dục, đời sống của người dân tại 6 huyện nghèo ngày càng được cải thiện, giúp cho người nghèo có điều kiện phát triển và mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Qua đánh giá, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết theo chương trình 30a (từ năm 2009 – 2013), trên địa bàn Hà Giang đã có hàng nghìn hộ thoát nghèo, riêng trong năm 2013 có 9.154 hộ thoát nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm từ 30,13% vào cuối năm 2012 xuống còn 26,95% vào cuối năm 2013. Riêng 6 huyện nghèo thuộc Chương tình 30a đã giảm được 4.060 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tại 6 huyện nghèo giảm từ 53,78% vào cuối năm 2009 xuống còn 39,52% vào cuối năm 2013. Riêng trong năm 2013, Nghị quyết 30a còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 15.735 lao động; tổ chức dạy nghề cho 18.208 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung của toàn tỉnh đến cuối năm 2013 đạt 41%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 32,8%. Ngoài ra, từ nguồn vốn của Chương trình 30a, hàng trăm trường học, bệnh xá được xây dựng mới; hàng nghìn km đường giao thông nông thôn và hàng loạt các công trình phúc lợi xã hội đã được xây dựng, hỗ trợ được trên 8.583 hộ nghèo có nhà ở theo Chương trình 167… tạo nên khởi sắc mới của diện mạo nông thôn tại 6 huyện nghèo trên địa bàn của tỉnh. Trong công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề và nâng cao dân trí cho người dân tại 6 huyện nghèo, Chương trình 30a đã hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho trên 28.000 lao động vùng nông thôn; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo cho trên 4.600 cán bộ cấp cơ sở, bố trí được 67 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch các xã thuộc 6 huyện nghèo. Thực hiện nâng mức phụ cấp cho 670 nhân viên y tế thôn bản; mua thẻ bảo hiểm y tế cho gần 400 nghìn người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình theo Nghị quyết 30a, tỉnh Hà Giang vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết, đó là nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế của 6 huyện nghèo. Nguồn vốn thực hiện chưa cụ thể, việc phê duyệt đề án giao các địa phương nhưng địa phương lại không tự chủ được về nguồn lực, lúng túng trong việc thẩm định và phê duyệt các đề án. Một số huyện bố trí nguồn vốn chưa kịp thời, tiến độ giải ngân còn chậm; các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng triển khai chậm do nguồn kinh phí ít lại phải bố trí dàn trải, dẫn đến nhiều công trình thi công chậm so với tiến độ. Đội ngũ cán bộ triển khai đề án trình độ năng lực còn hạn chế, nhất là ở cấp xã. Theo đồng chí Sèng Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Trong những năm tiếp theo để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục đích của Chương trình 30a, tỉnh Hà Giang phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tới người dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình 30a; thực hiện công khai, dân chủ trong quần chúng nhân dân nhằm tạo nên sự đồng thuận khi triển khai thực hiện các chính sách. Thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn, tập trung cho phát triển kinh tế – xã hội; ưu tiên cho phát triển nông, lâm nghiệp và qui hoạch dân cư để làm cơ sở cho việc đầu tư nguồn vốn. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()