Hà Giang nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên
Gần ba giờ đồng hồ đánh vật với chiếc xe máy Minks từ thị trấn huyện lỵ Xín Mần (Hà Giang), Pà Vầy Sủ - xã biên giới khó khăn nhất của huyện hiện ra cheo leo giữa ngút ngàn mầu xanh rừng nguyên sinh. Đón chúng tôi trước cổng trụ sở, đồng chí Trần Văn Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy xã hồ hởi nắm tay từng người trong đoàn: "Quý hóa quá, các nhà báo đi được xe máy lên đây thì tay lái cũng có hạng rồi đấy".Rồi vừa cùng chúng tôi về phòng làm việc, anh vừa kể về công cuộc vượt lên đói nghèo nơi vùng đất khó này. Nhìn anh, vẫn phong cách nhiệt tình, quyết liệt như hồi còn là cán bộ dân vận Đồn Biên phòng 219, Trần Văn Xuân thực hiện nhiệm vụ tăng cường cho xã Pà Vầy Sủ với một quyết tâm sắt đá: Phải làm cho đồng bào thoát được đói, nghèo, lạc hậu. Quyết tâm đó được thể hiện bằng chính cuộc sống của người dân nơi đây đã có những đổi thay vượt bậc, hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn và ổn định,...
Rồi vừa cùng chúng tôi về phòng làm việc, anh vừa kể về công cuộc vượt lên đói nghèo nơi vùng đất khó này. Nhìn anh, vẫn phong cách nhiệt tình, quyết liệt như hồi còn là cán bộ dân vận Đồn Biên phòng 219, Trần Văn Xuân thực hiện nhiệm vụ tăng cường cho xã Pà Vầy Sủ với một quyết tâm sắt đá: Phải làm cho đồng bào thoát được đói, nghèo, lạc hậu. Quyết tâm đó được thể hiện bằng chính cuộc sống của người dân nơi đây đã có những đổi thay vượt bậc, hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn và ổn định, lạc hậu, hủ tục lùi dần…
Đồn Biên phòng 219 quản lý địa bàn ba xã biên giới của huyện Xín Mần thì cả ba xã đều có cán bộ của đồn tăng cường giúp chính quyền. Đến Nàn Xỉn, người dân còn nhớ cán bộ Thước, người đã quyết liệt đấu tranh chống hủ tục lạc hậu, truyền đạo trái pháp luật và tận tình chỉ bảo bà con làm ăn. Già làng Sùng Dùng Sỉn, thôn Péo Suối Ngài nhớ như in lần cụ và anh Thước đối mặt với một nhóm tuyên truyền đạo trái pháp luật, trong đó có cả em vợ của già làng. Chuyện là mấy năm trước, người em vợ của già Sỉn nghe lời kẻ xấu bỏ bàn thờ, lôi kéo một số người theo 'đạo' để biết bay. Trước mặt vợ con, anh em, dân bản Péo Suối Ngài, trước bàn thờ tổ tiên già tuyên bố: 'Nếu mày mà bay được thì anh chị, vợ con, làng xóm cho tiền để mày theo đạo. Còn nếu không bay được thì phải bỏ nó đi, rồi về nhà mà tu chí làm ăn'. Người em sợ quá, xin thề không theo đạo nữa. Từ đó, việc truyền đạo trái phép ở Nàn Xỉn không còn nổi cộm nữa. Không những thế, Nàn Xỉn còn kiện toàn được tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng trong tất cả các thôn, làng.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều việc làm cụ thể mà Tỉnh ủy Hà Giang triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về 'Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên'.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang, toàn đảng bộ có 15 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 870 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), 3.234 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 46.466 đảng viên. Đến nay, 100% các TCCSĐ đã xây dựng quy chế làm việc và cơ bản thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình trong đảng, trong đánh giá cán bộ và đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể để các tổ chức đảng, những cán bộ, đảng viên khắc phục khuyết điểm; đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc chia tách những chi bộ ghép, thành lập chi bộ mới ở những nơi có đủ điều kiện được quan tâm thực hiện tốt. Việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên được chỉ đạo và thực hiện chặt chẽ, đánh giá đúng quy trình, bảo đảm dân chủ khách quan, gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và thực hiện mục tiêu Nghị quyết đại hội từng cấp, khắc phục bệnh thành tích, đánh giá đúng thực chất, sát với từng cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Trung Tài, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: Sau ba năm thực hiện Nghị quyết 22, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ trong tỉnh được nâng lên, đội ngũ cán bộ, đảng viên trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Điều này thể hiện rõ trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở có nhiều đổi mới, sáng tạo, chủ động, bài bản và khoa học hơn; tác phong, lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm, tổ chức kỷ luật có nhiều tiến bộ; việc quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và giải quyết các vấn đề nảy sinh ở cơ sở kịp thời và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 22 ở Hà Giang còn những hạn chế, thiếu sót. Đó là: Một số TCCSĐ còn hạn chế về năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; chưa xây dựng được nghị quyết chuyên đề, việc thực hiện quy chế làm việc chưa tốt; một số chi bộ sinh hoạt chưa đi vào nền nếp, chất lượng thấp; một số cán bộ, công chức cấp xã thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện quan liêu, xa dân; công tác đảng của đội ngũ bí thư chi bộ thôn còn nhiều hạn chế, trình độ của đảng viên nhiều nơi còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Nguyên nhân của vấn đề này, ngoài những yếu tố do nhận thức chưa tốt của bộ phận cấp ủy, cán bộ, đảng viên; vấn đề cốt lõi là trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt là đối với cấp ủy cơ sở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Bước vào năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Đảng bộ tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 22, với những biện pháp cụ thể: Cấp ủy, Đảng bộ các cấp đặc biệt coi trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện tốt Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, thật sự tiên phong, gương mẫu, đồng thời kiên quyết thay thế những cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ; đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, hoàn thiện mô hình các loại hình TCCSĐ gắn với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương pháp, lề lối làm việc của cấp ủy các cấp gắn với cải cách hành chính; tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()