tle=”Đất canh tác tại các huyện vùng cao của Hà Giang chủ yếu là đất xen đá.JPG”>Đất canh tác tại các huyện vùng cao của Hà Giang chủ yếu là đất xen đá.Ảnh VP Do đặc điểm là một tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, đồng bào các dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, ở rải rác trên các triền núi cao nên nhu cầu về đất sản xuất của đồng bào khá lớn.
Diện tích đất nông nghiệp bình quân của toàn tỉnh hiện nay chỉ đạt 0,53 ha/hộ gia đình nhưng xen lẫn nhiều đá sỏi, vì vậy, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất để sản xuất.
Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích đất của tỉnh chủ yếu là đồi núi cao và núi đá (chiếm 80% diện tích đất tự nhiên). Bên cạnh đó, hàng năm, diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bị xói mòn và rửa trôi do mưa lũ khá lớn. Ngoài ra, tình trạng tách hộ ra ở riêng của đồng bào các dân tộc ngày một nhiều; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khá lớn (chiếm gần 80%)… Đó là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng thiếu đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua phân tích và đánh giá hiện trạng, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều quyết định, thực hiện các chính sách lồng ghép với các chương trình, dự án của Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết nhu cầu về đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Điển hình như: Dự án sắp xếp và ổn định dân cư; thực hiện Chương trình hạ sơn cho đồng bào sống trên các triền núi cao; Chương trình ổn định dân cư tại các xã vùng biên giới…Trong hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh Hà Giang đã bố trí và đưa vào sử dụng trên 206.608 ha đất hoang nhằm phục vụ cho các mục đích dân sinh; quy hoạch được 153.076 ha đất nông nghiệp, trong đó, đất trồng cây hàng năm là 123.596 ha ( đạt 102,4% so với chỉ tiêu mà Nghị quyết của tỉnh đề ra là 120.744 ha); trong đó, diện tích đất trồng lúa thực hiện vượt trên 6,3% so với chỉ tiêu. Đây là một trong những nỗ lực của Hà Giang nhằm khai hoang, phục hoá những diện tích đất hoang, đất bạc màu đi đôi với việc kiên cố hoá kênh mương nhằm phục vụ cho công tác tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.
Riêng hai huyện Mèo Vạc và Đồng Văn thuộc vùng Cao nguyên đá được đánh giá là hai huyện gặp nhiều khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang trong quá trình bố trí đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng trong hơn 10 năm qua, huyện Đồng Văn đã thực hiện cải tạo, khai hoang, phục hoá được 265,075 ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích nương xếp đá là 119,38 ha, khai hoang mới được 80,58 ha ruộng, chuyển đất nương thành đất ruộng được 65,1 ha; giao đất lâm nghiệp cho 7.557 tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất cho 9.457 trường hợp. Huyện Mèo Vạc sắp xếp, ổn định dân cư vùng biên giới được 227 hộ, giải quyết đất sản xuất cho 3.448 hộ gia đình với kinh phí hỗ trợ trên 15.373 triệu đồng.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Hà Giang không chỉ góp phần ổn định dân cư, tạo tiền đề cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo mà còn góp phần thiết thực trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của một tỉnh vùng cao biên giới của Tổ quốc.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()