Hà Giang: Giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quảng bá du lịch
Trong chiến lược phát triển du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch là một trong những công tác quan trọng đang được ưu tiên, quan tâm hàng đầu.
Giàu tiềm năng
Là vùng khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, không khí trong lành, Hà Giang luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn và bổ ích đối với các du khách. Địa hình hiểm trở nhưng lại rất kỳ vĩ, có núi cao, cao nguyên, và cả thung lũng; địa hình nhiều sông suối, trong đó có nhiều suối nước nóng trữ lượng lớn với hàm lượng khoáng chất cao rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, thiên nhiên đã kỳ tạo cho Hà Giang nhiều thắng cảnh hùng vĩ, ngoạn mục như đỉnh Tây Côn Lĩnh, thác Thí, thác Bay, thạch nhũ đôi, cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pí Lèng… cùng nhiều ghềnh thác, hang động với nhiều hình khối, đường nét kì thú và hấp dẫn.
Khi nói đến các di tích ở Hà Giang, không thể không kể đến khu Di tích kiến trúc nghệ thuật dinh nhà Vương nằm tại huyện Đồng Văn, thuộc địa phận xã Sà Phìn, với những đường cong nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Vòng thành ngoài là một bức tường dày khoảng 40cm, cao khoảng 2m. Vòng thành trong dày và kiên cố hơn vòng thành ngoài. Cả hai vòng thành đều có lỗ châu mai. Giữa hai vòng thành là một dải đất rộng khoảng 50m, trồng toàn trúc. Dinh có ba ngôi nhà sàn. Ngôi nhà chính quay mặt ra cổng thành, hai ngôi nhà phụ song song nhau và vuông góc với ngôi nhà chính. Cả ba ngôi nhà được làm bằng gỗ, từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều làm bằng gỗ quý. Ngôi nhà chính là nơi ở của “vua” họ Vương, ở đó hiện vẫn còn bức hoàng phi với bốn chữ “Biên chinh khả phong” được vua Nguyễn ban cho. Hai ngôi nhà kia dành cho những người phục vụ và lính bảo vệ. Khi nói đến di tích Hà Giang người ta cũng nhắc nhiều đến chùa Sùng Khánh, nơi có quả chuông lớn với bài Minh khắc trên chuông như lời nhắc nhở của cha ông đối với đồng bào các dân tộc Hà Giang phải luôn luôn đoàn kết, chăm lo sản xuất, giữ vững biên cương, bờ cõi…
Hà Giang là vùng đất có gần 20 dân tộc đang sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng vô cùng độc đáo. Đến Hà Giang, được hoà mình vào lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, lễ mừng nhà mới của dân tộc Lô Lô, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ hội Gàu tào của dân tộc Mông… được nhảy, múa những làn điệu Sli, lượn, cọi, được hoà trong tiếng khèn Mông réo rắt, dập dìu…. chắc chắn sẽ làm say lòng các du khách.
Đến Hà Giang ai cũng muốn ghé thăm chợ tình Khau Vai, nơi hò hẹn của những đôi trai gái, đôi lứa yêu nhau và cả của những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau, nơi còn được gọi bằng cái tên thật đẹp ''chợ tình Phong Lưu''. Điều hấp dẫn du khách khi đến thăm Hà Giang còn là ở các đặc sản, những sản vật, hoa trái nơi đây. Thắng cố, bò khô, cháo ấu tẩu, lơ khuẩy…là những món ăn đặc sản nổi tiếng ở Hà Giang. Ngoài ra Hà Giang còn nổi tiếng với các loại hoa quả như cam sành (Bắc Quang); mận hậu (Xín Mần); đào, lê (Đồng Văn), chè San tuyết (Hoàng Su Phì)… Nhiều loại dược liệu quí hiếm mà chỉ Hà Giang mới có như: đỗ trọng, xuyên khung, hoàng tinh, tam thất…
Xúc tiến đầu tư
Trong những năm qua hoạt động xúc tiến du lịch đã được triển khai khá tích cực và hiệu quả. Tỉnh Hà Giang đã thành lập được Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch để đảm nhiệm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh nhà; đã xây dựng được các ấn phẩm về du lịch như lịch gấp, cẩm nang du lịch, đĩa VCD, xây dựng được cổng thông tin điện tử quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh… Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về du lịch của tỉnh.
Để mở rộng hơn nữa các hoạt động du lịch và dịch vụ của tỉnh, nhiệm vụ tuyên truyền thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch cần được đầu tư về nội dung và hình thức, nâng cao hiệu quả thiết thực nhất là cần chủ động lập kế hoạch tham gia tốt các hội chợ, các cuộc hội thảo, các sự kiện về du lịch trong và ngoài tỉnh. Cần đầu tư đổi mới thiết kế, maket các ấn phẩm du lịch như: Bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch, đĩa VCD, bản tin du lịch, nội dung hình ảnh trên trang thông tin điện tử… phải được nghiên cứu, bổ sung nội dung, thay đổi hình thức để tạo sự hấp dẫn và phong phú thông tin.
Sau sự kiện Công viên đá Đồng Vănđược tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, các tổ chức thông tin đại chúng biết về Hà Giang nhiều hơn, hình ảnh Hà Giang đã xuất hiện trên các tạp chí…ở trong và ngoài nước. Đã đến lúc ngành Du lịch tỉnh phải xây dựng biểu tượng và tiêu đề riêng cho Du lịch của tỉnh để qua đó làm cơ sở cho việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Hà Giang một cách nhất quán và chuyên nghiệp.
Hiện nay Hà Giang vẫn chưa có một chiến lược, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch một cách dài hạn và chuyên nghiệp cho từng thị trường mục tiêu, chưa xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ xúc tiến quảng bá trong mỗi giai đoạn và đặc điểm thị trường cụ thể để tổ chức các hoạt động quảng bá phù hợp, đã phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác xúc tiến. Do vậy, việc xây dựng đề án hay chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch dài hơn trong giai đoạn 2012-2020 là việc làm rất cần thiết và hữu dụng.
Nguồn nhân lực làm công tác xúc tiến còn yếu. Hiện nay hoạt động xúc tiến du lịch tỉnh do Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đảm nhiệm, nhưng đội ngũ nhân viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm chiếm tỉ lệ cao, mặt khác hầu hết cán bộ làm công tác xúc tiến chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về xúc tiến, quảng bá du lịch, Marketing du lịch. Thiếu sự phối kết hợp giữa Trung tâm với các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm xúc tiến thông qua việc mở các lớp bồi dưỡng hoặc cử cán bộ đi học các lớp đào tạo về nghiệp vụ Marketing du lịch, ứng dụng công nghệ trong xúc tiến, giới thiệu thị trường và nghiên cứu thị trường là việc làm hết sức cần thiết…
Để công tác xúc tiến du lịch của tỉnh Hà Giang thực sự phát triển sâu rộng và hiệu quả, trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhất thiết phải có sự đoàn kết, phối hợp toàn diện sự hợp tác, đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương, của cộng đồng các doanh nghiệp và người dân địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sự kết hợp các yếu tố nội lực và ngoại lực trong hoạt động xúc tiến du lịch sẽ đưa Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn và có sức lôi cuốn mạnh mẽ không chỉ bằng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, phong tục tập quán đặc sắc mà còn bằng chất lượng dịch vụ, sự thân thiện hiếu khách của người dân.
Cùng với nhiều miền quê trên cả nước, Hà Giang đang nỗ lực từng ngày phấn đấu vươn lên trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Hy vọng rằng với những tiềm năng vốn có, Hà Giang sẽ luôn biết phát huy để khách tham quan du lịch sẽ ngày càng tìm đến với Hà Giang.
Ý kiến ()