Hà Giang: 96,7% diện tích cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP
Theo dự báo của ngành nông nghiệp Hà Giang, niên vụ 2020 – 2021, tổng diện tích cam sành đạt khoảng 6.570 (chiếm 73,9% diện tích cam của toàn tỉnh); diện tích cho thu hoạch đạt trên 5.730 ha, năng suất đạt bình quân 1,2 tấn/ha và sản lượng cam sành ước đạt trên 68.000 tấn. Thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã cấp chứng nhận VietGAP cho 4.269 ha, chiếm 96,7% diện tích cam sành cho thu hoạch.
Cam sành là cây ăn quả đặc sản của Hà Giang và được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Trong đó, huyện Bắc Quang có diện tích và sản lượng cam sành lớn nhất tỉnh. Thời gian thu hoạch của cam sành thường kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch của năm sau. Trong năm 2017, sản phẩm cam sành của Hà Giang đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.
Cam sành đang dần trở thành cây chủ lực của ngành nông nghiệp nói riêng, của tỉnh Hà Giang nói chung. |
Trong những năm qua, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam sành luôn được tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm. Trong đó, ngành Công thương Hà Giang đã triển khai bước đầu có hiệu quả công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; trong đó, có sản phẩm cam sành vào các chuỗi siêu thị lớn như Vimart; Big C; CO. OOP; … Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại Hà Giang cũng đẩy mạnh xúc tiến công thương triển khai thiết kế, in mẫu bao bì hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các HTX nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm cam sành tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Giang còn triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các HTX và các hộ sản xuất và kinh doanh cam sành của 3 huyện với trên 2,1 triệu tem nhãn mác…
Trong niên vụ cam 2020 – 2021, huyện Vị Xuyên có diện tích cam sành đạt khoảng 760 ha, trong đó có trên 680 ha cho thu hoạch và sản lượng ước đạt từ 5.200 – 5.500 tấn. Để nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành, từ đầu năm 2020, huyện Vị Xuyên đã tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP và thành lập các HTX trồng cam tạo nên mối liên kết giữa các hộ trồng cam trong quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Theo Phó Chủ tịch TT UBND huyện Vị Xuyên Lê Thanh Hải cho biết, nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành, huyện Vị Xuyên đã triển khai mở rộng diện tích cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP; bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các phòng ban chức năng tập trung hỗ trợ tối đa giúp người dân thực hiện đầy đủ các quy trình kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao mẫu mã và chất lượng của sản phẩm cam sành.
Tại huyện Bắc Quang, nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành, ngay từ đầu năm 2020, huyện Bắc Quang đã khẩn trương hỗ trợ người trồng cam triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và mẫu mã của sản phẩm như thành lập các Tổ hợp tác, các HTX liên kết trong quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và đặc biệt là quá trình tiêu thụ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch. Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết, trong năm 2020, huyện sẽ tiếp tục triển khai các lớp tập huấn cho người trồng cam về kỹ thuật nâng cao chất lượng cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã trồng cam nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành trên địa bàn của huyện.
Bên cạnh công tác nâng cao uy tín và chất lượng của sản phẩm cũng như tìm kiếm giải pháp tiêu thụ bền vững sản phẩm cam sành, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm cam sành tại các Trung tâm thương mại; Hội chợ trong và ngoài tỉnh; triển khai các Hội nghị Bàn giải pháp phát triển và nâng cao uy tín, chất lượng của sản phẩm cam sành Hà Giang… Qua đó hướng tới các giải pháp đổi mới, tạo nên bứt phá trong công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ bền vững sản phẩm cam sành của tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khai thác và phát huy triệt để Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cam sành Hà Giang và nâng cao vai trò của các Tổ hợp tác, Hiệp hội, các HTX trong quá trình sản xuất , nâng cao uy tín, chất lượng và tiêu thụ sản phẩm cam sành. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang cũng ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm từ cây cam sành của tỉnh…
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Hà Giang cho biết, cam sành là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hà Giang, trong những năm qua, cây cam sành đã nhận được sự quan tâm của người dân và các cấp, các ngành trong tỉnh. Do đó, để tạo bứt phá trong quá trình thực hiện theo kế hoạch, sản xuất, trong niên vụ cam 2020 – 2021, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo 3 huyện trồng cam tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm, tạo niềm tin và uy tín đối với người tiêu dùng trong cả nước, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu và tạo dựng chuỗi giá trị cho người dân./.
Ý kiến ()