Hạ giá cước vận tải: Đừng lập lờ lấy cớ lộ trình
LSO - Chỉ trong vòng bẩy tháng, giá xăng dầu liên tiếp hạ đến chín lần, đây là tín hiệu tốt lành cho thị trường và mang lại niềm vui cho người tiêu dùng. Giá xăng hạ đã khiến nhiều mặt hàng thiết yếu hạ theo, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã mau chóng hạ giá cước. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp lừng khừng lấy cớ lộ trình gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Giá xăng dầu hạ khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng hạ theo
Ngay khi giá xăng dầu hạ ở lần thứ năm, Sở Giao thông – Vận tải đã có hướng dẫn gửi các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải. Sau đó, Sở Tài chính đã ban hành Công văn 1581/STC-QLG&TS ngày 1/12/2014 về thực hiện kê khai giá cước vận tải theo giá nhiên liệu để quản lý hạ giá cước vận tải. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp buộc phải hạ giá cước vận tải.
Ngay sau khi có công văn của Sở Tài chính, Công ty Tắc xi Duy Quang là một trong những đơn vị giảm giá sớm nhất. Ngày 8/12/2014, công ty đã thống nhất hạ giá cước đối với tất cả các dịch vụ cho thuê lái, vận tải tắc xi và các dịch vụ sửa chữa bảo hành khác. Theo đó, các loại xe của Tắc xi Duy Quang giảm trung bình 1.000 đồng cho mỗi km. Mức giảm cao nhất là xe Kia Morning giảm từ 8.000 mỗi km xuống còn 7.000 đồng. Xe Cerato giảm thấp nhất từ 14.000 đồng xuống còn 13.000 đồng mỗi km, bằng 7%. Cùng với đó là hàng loạt các dịch vụ không phải kê khai theo giá nhiên liệu nhưng công ty cũng giảm từ 10 đến 15%. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Tắc xi Duy Quang cho biết: “Việc giảm giá không những tạo điều kiện cho khách đi tắc xi mà còn thể hiện sự chấp hành nghiêm chính sách. Việc giảm giá không ảnh hưởng đến hạch toán kinh doanh vì giảm trên cơ sở giá cả đầu vào giảm”. Ngay sau khi giảm giá, Tắc xi Duy Quang đã đón nhận được tình cảm và mến mộ của khách hàng. Chỉ trong vòng nửa tháng, lượng khách đi tắc xi của công ty tăng 20%, giờ xe tốt của lái xe đảm bảo, từ đó, lương, các khoản thưởng có xu hướng tăng. Ông Hoàng Văn Bào, trú tại phố Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn thẳng thắn: “Xăng dầu đã hạ mà vận tải không hạ là vô lý, vì vậy, chúng tôi không đi xe của những hãng chưa hạ, dù tiền không đáng là bao. Tôi cũng mong hành khách phải tạo sự công bằng với các công ty, họ nghiêm chỉnh thì sẽ chiếm được tình cảm của khách”.
Thực hiện chỉ đạo giảm giá cước vận tải của Sở Tài chính, Bến xe phía Bắc đã thông báo đến 70 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải với trên 350 đầu xe để giảm giá cước. Với doanh nghiệp vận tải hành khách cố định, bến đề ra lộ trình giảm giá cước trên cơ sở giá nguyên liệu đầu vào. Qua đó đã có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh tại bến buộc phải giảm giá cước theo lộ trình. Theo thống kê của bến, hiện nay có 7 doanh nghiệp tuyến khách cố định nội tỉnh đã giảm từ 5 đến 7% giá vé, 12 tuyến xe khách ngoại tỉnh giảm 10%. Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Bến xe phía Bắc cho biết: theo kế hoạch của bến, từ nay đến tết Nguyên đán, các doanh nghiệp vận tải kinh doanh tại bến sẽ phải giảm theo đúng hướng dẫn của Sở Tài chính, nếu không giảm bến sẽ có biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Mặc dù được bến tuyên truyền, khuyến cáo thế nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải chưa có biện pháp giảm giá cước trên cơ sở giá đầu vào. Khi được hỏi, các chủ doanh nghiệp cho biết, giảm giá phải có lộ trình vì thực hiện ngay một lúc chưa có sự chuẩn bị. Vé đã in, tính toán doanh thu cũng trên cơ sở giá vé nên nếu thực hiện ngay sẽ thiệt thòi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa chưa mặn mà với việc giảm giá cước, mặc dù khi giá nhiên liệu giảm, các doanh nghiệp này được hưởng lợi nhiều nhất. Ông Lộc Văn Thống, chủ doanh nghiệp vận tải PB cho biết: “Chúng tôi cũng đang trên lộ trình giảm giá cước, thế nhưng trước đây do tác động nhiều yếu tố như kiểm soát quá tải, mất khách hàng do họ chuyển sang đường sắt, vì thế phải thư thư một thời gian để chúng tôi thực hiện theo lộ trình”. Cũng theo ông Thống, cơ bản các doanh nghiệp vận tải hàng hóa chưa tính đến giảm giá.
Theo Công văn của Sở Tài chính, việc giảm giá cước vận tải trên cơ sở nhiên liệu đầu vào thực hiện đúng theo Luật Giá, các doanh nghiệp không có cớ gì để trì hoãn việc giảm giá cước khi giá cả đầu vào hạ. Và hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp vận tải cũng cần xác định hạ giá cước cũng là cạnh tranh bởi doanh nghiệp nào hạ trước sẽ chiếm lĩnh được tình cảm của khách hàng.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông Bắc
Ý kiến ()