Gương sáng ở Nhất Tiến
LSO-“Những câu chuyện về Bác đều rất giản dị, nhưng chính sự giản dị ấy lại hình thành nên một nhân cách lớn, tạo sức lan tỏa sâu, rộng. Chính vì vậy, học tập và làm theo Bác trước hết bắt đầu từ những việc nhỏ, hết sức cụ thể có lợi cho tập thể và cho cộng đồng”, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn chia sẻ suy nghĩ của mình về thực hiện Cuộc vận động lớn.
Cô giáo Nguyễn Thùy Linh, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn chăm sóc, động viên học sinh bán trú |
Những trận mưa như trút nước khiến cho nhiều thôn ở xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn tạm thời bị chia cắt. Hơn 50 đứa học trò vùng cao ngay ngày khai giảng đã phải ở lại trường, mà khổ nỗi mấy gian nhà nội trú đang tu sửa, nên phải tận dụng lớp làm chốn ngủ. Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó hiệu trưởng nhà trường, bùn ngập tới gối, người ướt mèm đôn đáo lo cho học trò. Tất tả ngược xuôi, nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi, không khác nhiều so với hình ảnh tôi gặp cô trong hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh tổ chức giữa tháng 4/2013. Khi ấy cô giáo Linh vinh dự là cá nhân xuất sắc trong triển khai thực hiện cuộc vận động.
Năm 2004, khi ấy Trường PTDT bán trú THCS xã Nhất Tiến vẫn chỉ là những dãy nhà tạm cùng với khu nhà công vụ xập xệ. Nguyễn Thị Thùy Linh, nhà ở khu Gang Thép, nơi sầm uất của thành phố Thái Nguyên với tấm bằng cao đẳng ngoại ngữ đã xung phong tới giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn này, năm ấy cô giáo Linh tròn 25 tuổi. Nhắc tới chuyện này, cô giáo tươi tắn: mình đã xác định là rất khó khăn, nên khi mới đến thấy cơ sở vật chất, điều kiện thiếu thốn khó khăn như vậy càng củng cố thêm quyết tâm bám trụ của mình với vùng cao. Một năm sau, khi được xét vào viên chức, chính Nguyễn Thị Thùy Linh đã làm đơn xin được tiếp tục giảng dạy, làm việc ở nơi này.
Gần chục năm gắn bó với vùng cao, cô giáo Linh đã cùng với các giáo viên trong nhà trường tận tâm, tận lực vì sự phát triển của vùng khó. Nhận xét về giáo viên của nhà trường, Hiệu trưởng Dương Công Dũng trìu mến: cô Linh là giáo viên trẻ rất nhiệt huyết và năng động, đã cùng với tập thể nhà trường, khắc phục khó khăn, góp phần quan trọng trong công tác bán trú. Ngoài việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống và tổ chức bữa ăn cho học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh đã tích cực tham mưu cho Hiệu trưởng, UBND xã triển khai vận động, giúp đỡ các gia đình để con em đến lớp. Kết quả tỷ lệ phổ cập THCS của nhà trường đạt gần 80%. Trong công việc chuyên môn, với sự năng động, sáng tạo của mình, Nguyễn Thị Thùy Linh tìm ra những giải pháp trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Năm học 2011-2012, sáng kiến “sử dụng công nghệ thông tin vào dạy môn tiếng Anh lớp 9” của cô đã được hội đồng sáng kiến kinh nghiệm huyện Bắc Sơn đánh giá cao và xếp loại A. Khác với dạy “chay”, theo phương pháp này, giáo viên sưu tầm những trò chơi, bài hát và sử dụng giáo án điện tử trình chiếu. Không chỉ đơn thuần là học ngoại ngữ mà học trò vùng cao đã dần được tiếp cận với những phương pháp học hiện đại hơn, vừa nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường vừa rút ngắn khoảng cách giữa học sinh vùng khó với những khu vực trung tâm. Với những thành tích đó, tháng 8/2012, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tín nhiệm bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng nhà trường.
Hỏi chuyện chồng con, Nguyễn Thị Thùy Linh e thẹn: gắn bó với đất và người nơi đây, năm 2006 mình lấy chồng người bản địa. Xã Nhất Tiến có 3 cấp học với 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường PTDT bán trú THCS, số học sinh toàn xã lên tới gần 1.000 em. Tuy nhiên cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn chủ yếu là dùng chung khiến cho việc dạy và học rất khó khăn. Trước thực trạng đó, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh đã vận động gia đình chồng hiến 1.200m2 đất ở thôn Làng Đấy ngay gần trung tâm xã để làm mặt bằng xây dựng trường mầm non. Chủ tịch UBND xã Bàn Phúc Thắng cho biết: cán bộ, đảng viên đi đầu đã tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân, ngay sau đó các cá nhân có đất liền kề đã tự nguyện hiến thêm để tạo ra mặt bằng rộng tới 3.000m2.
Nói về mình, cô giáo Linh cười nhẹ nhàng: có gì đâu anh, tất cả các giáo viên ở vùng cao này đều đang ra sức nỗ lực vì sự phát triển chung, tôi chỉ mong những việc làm nhỏ bé của mình góp phần làm thay chuyển vùng khó.
Ý kiến ()