LSO-Nhắc đến vợ chồng CCB Nguyễn Thị Thơm – Đỗ Đích ở thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc ai nấy đều cảm phục tinh thần vượt khó vươn lên của hai vợ chồng chị.
Chị Thơm vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động, đông anh em.Sau khi tốt nghiệp cấp hai, năm 1974, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị đã tình nguyện đăng ký xin nhập ngũ, lúc bấy giờ chị mới 16 tuổi. Trong 6 năm tham gia quân ngũ, môi trường ấy đã rèn luyện chị trở thành một quân nhân mạnh về thể chất, vững về tinh thần, thông minh trong chiến đấu và sáng tạo trong lao động.
Chính nhờ những ngày tháng sống, chiến đấu trong môi trường quân đội ấy nên khi xuất ngũ trở về địa phương, chị Thơm đã nhanh chóng hòa nhập ngay với cuộc sống đời thường. Mặc dù lúc bấy giờ cuộc sống của gia đình chị thực sự khó khăn vất vả. Chị Thơm chia sẻ: Khi tôi xuất ngũ thì chồng tôi vẫn còn đang tại ngũ, bản thân tôi chưa có công ăn việc làm lại một nách 3 đứa con nhỏ, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của chồng và thu nhập từ chăn nuôi, dịch vụ nhỏ. Đến khi chồng tôi được nghỉ hưu về nhà, hai vợ chồng đã bàn bạc, thống nhất và mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng dịch vụ và chăn nuôi, mua đất để phát triển đồi rừng, hàng năm thu nhập cũng tạm ổn định, đảm bảo đời sống gia đình và nuôi con ăn học.
|
Cơ ngơi của CCB Nguyễn Thị Thơm (thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc) |
Hiện nay, gia đình chị Thơm phát triển kinh tế bằng 3 mô hình chính là mở dịch vụ tiểu thương, chăn nuôi và phát triển kinh tế đồi rừng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” nên mô hình kinh tế của gia đình chị đã từng bước phát huy hiệu quả. Mô hình chăn nuôi của vợ chồng chị Thơm, anh Đích có 2 con lợn nái để cung cấp giống và khoảng 20 đến 25 con lợn thịt mỗi lứa. Trung bình hàng năm xuất chuồng 2 lứa khoảng 2,5 đến 2,7 tấn thu nhập khoảng 60 đến 70 triệu đồng, ngoài ra từ chăn nuôi gà hàng năm cũng cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Đáng chú ý là chị Thơm chăn nuôi theo cách chủ động trồng ngô, khoai, sắn, cây chuối để đủ rau cám cho lợn, đồng thời xay xát thóc giao cho các đại lý lấy cám để chăn nuôi và nấu rượu để lấy bỗng rượu… chính vì vậy cho dù giá cả thị trường có biến động thì gia đình chị cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Đối với phát triển kinh tế đồi rừng, hiện nay gia đình chị có trên 10ha rừng để trồng cây ăn quả và phát triển trồng rừng cây lấy gỗ, hiện nay gia đình chị đã trồng được 7ha thông có đường kính từ 15 đến 20 cm. Từ phát triển dịch vụ, hàng năm gia đình chị Thơm cũng cho thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng. Như vậy, tổng thu nhập hàng năm gia đình chị Thơm cũng đạt khoảng 150 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ cho sinh hoạt.
Với tinh thần giúp nhau xóa đói giảm nghèo, cùng vượt qua khó khăn vất vả nên hai vợ chồng chị Thơm luôn giúp đỡ, hướng dẫn đồng đội và bà con láng giềng cách chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất, hiệu quả cao. Đồng thời thường xuyên có từ 50 triệu đồng trở lên cho vay lưu động không tính lãi để tạo điều kiện cho đồng đội cũng như bà con có điều kiện phát triển kinh tế. Ngoài ra anh chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện do địa phương phát động… Có thể nói rằng, với những kết quả đạt được ngày hôm nay, hai vợ chồng chị Thơm – anh Đích luôn cảm ơn những ngày tháng gian nan, vất vả trong quân ngũ. Để khi trở về cuộc sống đời thường, hai anh chị đã phát huy phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” trở thành những điển hình tiên phong trên mặt trận chiến thắng đói nghèo.
Ý kiến ()