Gửi tiền tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn: Góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm cho người nghèo
- Những năm qua, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền đến các hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Qua đó, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao ý thức tiết kiệm, có điều kiện trả nợ, lãi, giảm gánh nặng khi đến thời hạn hoàn trả vốn vay.
Là thành viên của tổ TK&VV thôn Vũ Thắng A, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn, nhiều năm nay, gia đình bà Hoàng Thị Viền đã hình thành thói quen gửi tiền tiết kiệm qua tổ TK&VV. Bà Viền tâm sự: Hiện gia đình tôi đang vay vốn của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để trồng rừng và xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Trước đây, tôi cứ nghĩ gia đình mình còn khó khăn, phải vay vốn sản xuất thì lấy đâu ra tiền gửi tiết kiệm. Nhờ được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện và tổ trưởng tổ TK&VV thôn tuyên truyền, hướng dẫn, từ năm 2019, gia đình tôi đã hiểu lợi ích của việc gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH qua tổ TK&VV nên tôi đã tích cực tham gia, hằng tháng, gia đình tôi đều đặn gửi từ 100.000 đồng – 200.000 đồng.
Cũng như gia đình bà Viền, với ý thức dành dụm và tiết kiệm từ những khoản tiền nhỏ, nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã tham gia gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV. Ông Nguyễn Thanh Lạng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn cho biết: Trước đây, nhận thức của người dân với NHCSXH chỉ là vay và rất ít người biết đến gửi tiết kiệm. Nhằm thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là tạo cho người nghèo thói quen tiết kiệm, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác triển khai đến từng tổ vay vốn, hộ vay. Hiện nay, toàn huyện có 239 tổ TK&VV, với 8.560 tổ viên, trong đó 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng, với số dư tiết kiệm đạt trên 17 tỷ đồng.
Không chỉ tại huyện Bắc Sơn, những năm gần đây, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về việc gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV, từ đó ý thức tham gia gửi tiền tiết kiệm của người dân ngày càng được nâng lên. Hiện toàn tỉnh có 2.059 tổ TK&VV với 68.748 hộ vay vốn, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt gần 138 tỷ đồng (tăng 7,3 tỷ đồng so với năm 2023), bình quân mỗi tổ có số dư gửi tiết kiệm là 66,9 triệu đồng. Trong đó, có 70.712 hộ tham gia gửi tiết kiệm.
“Trong những năm qua, xác định chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là việc làm có ý nghĩa, không chỉ góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hình thành thói quen tiết kiệm, có tiền trả nợ gốc cho ngân hàng mà còn đóng góp nguồn tiền để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Do vậy, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên qua tổ TK&VV. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện gửi tiết kiệm qua Ngân hàng Chính sách xã hội; chỉ đạo các cấp hội cơ sở tuyên truyền tới cán bộ, hội viên nông dân và người dân về huy động tiết kiệm thông qua các tổ TK&VV. Qua đó, các tổ viên của Hội Nông dân đều nắm được và thực hiện gửi tiết kiệm qua tổ. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đang quản lý 539 tổ TK&VV, với 17.429 tổ viên, số dư tiết kiệm qua tổ đạt 34,5 tỷ đồng”. Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Khi mới triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh gặp khó khăn vì các tổ viên nghĩ gửi tiết kiệm phải có số tiền lớn, trong khi họ là người nghèo, đối tượng chính sách, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên ngại tham gia. Từ đó, chi nhánh đã chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH các huyện phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ TK&VV tăng cường tuyên truyền đến người dân, tổ viên qua các buổi tập huấn, họp thôn về lợi ích, ý nghĩa của chương trình gửi tiết kiệm qua Tổ. Hằng tháng, trong các buổi giao dịch theo lịch cố định tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, cán bộ NHCSXH không chỉ thực hiện nhiệm vụ giải ngân, thu gốc và lãi định kỳ mà còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua các tổ TK&VV, giúp người dân hình thành thói quen tiết kiệm. Đồng thời, chi nhánh bố trí cán bộ và các điều kiện cần thiết để tiếp nhận tiền gửi tại điểm giao dịch xã, phường, thị trấn đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho khách hàng.
Theo đó, chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các tổ TK&VV được triển khai theo hình thức tự nguyện. Trong đó, các tổ tự đưa ra quy định về thời gian gửi, mức tiền gửi tiết kiệm (tối thiểu là 50 nghìn đồng/người/tháng và tối đa là 2 triệu đồng/người/tháng), tất cả đều được công khai, minh bạch. Để công tác huy động tiền gửi tiết kiệm hiệu quả, hằng năm, các tổ trưởng tổ TK&VV đều được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn quản lý sổ sách, nhận tiền gửi tiết kiệm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện đã phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn ủy thác cho 4.114 người là tổ trưởng tổ TK&VV.
Bà Bế Thị Viện, Tổ trưởng Tổ TK&VV thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho biết: Khi có chủ trương huy động tiết kiệm qua tổ TK&VV, tổ đã bàn bạc và thống nhất triển khai đến các tổ viên tham gia gửi tiết kiệm tùy vào điều kiện từng gia đình. Hiện nay, tổ TK&VV thị trấn Na Dương đang quản lý 19 tổ viên, với dư nợ hơn 800 triệu đồng. Hằng tháng, tất cả các tổ viên đều gửi tiết kiệm qua tổ, với mức gửi phổ biến là 100 nghìn đồng/người/tháng, với những hộ có điều kiện có thể gửi nhiều hơn. Từ đó, các tổ viên có một khoản tiết kiệm, những lúc khó khăn có thể rút hoặc chuyển sang trả lãi, trả gốc. Hiện nay, 100% các thành viên trong tổ đều tham gia gửi tiết kiệm qua tổ với số tiền gần 80 triệu đồng.
Có thể thấy, việc gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ TK&VV đã góp phần tích cực giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh hình thành thói quen dành tiền tiết kiệm từ những số tiền nhỏ. Nhờ có nguồn tiền tiết kiệm này, việc người dân trả lãi, nợ gốc đúng kỳ hạn tăng lên theo từng năm, cụ thể, những năm gần đây, tỷ lệ thu nợ gốc hằng năm của Chi nhánh NHCSXH tỉnh đều đạt trên 95%; tỷ lệ thu lãi đạt 99%. Cùng với đó, số tiền huy động được còn tăng cường nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu về vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()