Grab ủng hộ taxi truyền thống chuyển mô hình sang xe công nghệ
Các hãng taxi cũng đang muốn chuyển đổi mô hình sang ứng dụng gọi xe công nghệ nhằm đem lại nhiều tiện ích cho cả người sử dụng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Liên quan đến việc Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có đề nghị các cơ quan Nhà nước cho xe taxi được chuyển đổi sang xe công nghệ , đại diện Grab cho rằng, việc chuyển đổi mô hình sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa quyền lợi cơ bản của mình, đem lại nhiều lợi ích tích cực cho toàn ngành dịch vụ vận tải nói riêng, người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Theo đại diện Grab, Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành đảm bảo quyền cơ bản của tất cả các doanh nghiệp là được phép lựa chọn bất kỳ mô hình kinh doanh nào phù hợp nhất và tạo ra nhiều lợi ích nhất cho thị trường, xã hội.
Đặc biệt, Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông Vận tải về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là Đề án 24) cho phép không chỉ các mô hình kinh doanh mới như Grab, Uber, Emddi mà cả các đơn vị vận tải truyền thống có thể triển khai hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp taxi như Vinasun, Mai Linh, Thành Công… đã chủ động tham gia Đề án ngay từ những ngày đầu, đầu tư công nghệ phần mềm và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn. Chất lượng dịch vụ của hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô dưới 9 chỗ trên thị trường nói chung đã được cải thiện đáng kể.
Hơn nữa, phía Grab cũng chỉ ra những ưu điểm của việc sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam của cả người sử dụng và cơ quan quản lý Nhà nước.
Đơn cử, việc ứng dụng công nghệ trong dịch vụ vận tải hành khách sẽ mang lại nhiều lợi ích giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, giảm tỷ lệ xe chạy rỗng trên đường cũng như gia tăng hiệu suất và thu nhập của tài xế.
Theo thống kê, các xe hoạt động theo phương thức này có hiệu suất sử dụng lên đến hơn 70%, có nghĩa là cứ 10 giờ chạy trên đường thì có đến hơn 7 giờ được sử dụng để chở khách (so với hiệu suất sử dụng phương tiện của ngành dịch vụ vận tải hành khách chỉ đạt 20-30% trước khi có sự xuất hiện của các ứng dụng kết nối). Thu nhập trung bình mỗi giờ của tài xế do vậy cũng cao hơn 55% so với mức lương trung bình theo giờ của quốc gia.
Với người tiêu dùng, mô hình kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng điện tử cũng đem lại những tiện ích đáng kể như cung cấp dịch vụ di chuyển minh bạch, an toàn, tiện lợi và tiết kiệm chi phí cho người dùng
Từ khi mô hình này được triển khai thông qua các ứng dụng đặt xe như Grab, Uber, người tiêu dùng Việt Nam đã được tiếp cận với một dịch vụ giúp cho việc di chuyển hằng ngày có thể trở nên an toàn, tiện lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều. Hành khách có thể biết được thông tin của tài xế và phương tiện (tên, số điện thoại, biển số xe, loại xe), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, chia sẻ thông tin chuyến đi khi cần nhằm nâng cao an toàn cho hành khách.
Bên cạnh đó, các ứng dụng đặt xe công nghệ cũng rút ngắn được thời gian chờ xe đến đón của hành khách tới hơn 50% so với sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khác.
Mặt khác, các cơ quan chức năng quản lý hiệu quả việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông khi việc sử dụng ứng dụng trong kinh doanh vận tải với dữ liệu hành trình và giá cước được ghi nhận trên từng chuyến đi đã góp phần làm minh bạch hoạt động vận tải hành khách đồng thời quản lý hiệu quả được việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Nhấn mạnh cách tiếp cận của Chính phủ khi loại bỏ các rào cản và điều kiện kinh doanh không cần thiết, theo đại diện Grab, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả nền kinh tế đều sẽ hưởng lợi khi các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống đều áp dụng công nghệ vào việc vận tải hành khách để tăng hiệu quả kinh doanh, hạ giá thành và cải thiện chất lượng dịch vụ./.
Ý kiến ()