Thứ 7, 23/11/2024 05:59 [(GMT +7)]
GPS góp phần đảm bảo an toàn giao thông
Thứ 2, 12/11/2012 | 10:08:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Chỉ cho chúng tôi xem những chiếc xe ô tô của công ty đang hoạt động, đỗ dừng qua hệ thống bản đồ vệ tinh Google trên mạng Internet, anh Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính Công ty Liên doanh Sơn Đức nói: “Từ hệ thống này có thể kiểm soát xe đỗ dừng, hoạt động, tốc độ hướng di chuyển, thậm chí cả những tai nạn, va chạm mà xe gặp phải, từ đó giúp công ty kiểm soát an toàn giao thông của lái xe”.
Lãnh đạo Công ty liên doanh Sơn Đức cảnh báo nhắc nhở lái xe qua hệ thống GPS
Bắt đầu từ năm 2009, trên các xe khách tuyến cố định ở các tỉnh phía Nam đi và đến Bến xe phía Bắc, Bến xe Lạng Sơn đã xuất hiện các hộp đen gắn thiết bị GPS. Từ thiết bị này các lái, phụ xe liên tục nhận được thông tin điều hành, chướng ngại vật, vùng thời tiết không thuận qua bản đồ vệ tinh để chọn hành trình. Và tất cả những hướng dẫn ấy giúp cho lái, phụ xe tránh được những rủi ro. Là một công ty đưa công nghệ GPS vào quản lý xe đầu tiên ở Lạng Sơn giữa năm 2011, Công ty Liên doanh Sơn Đức đưa thiết bị định vị toàn cầu GPS vào giám sát hành trình xe chạy. Ngay từ khi mới đưa vào sử dụng, các lái xe và bộ phận phục vụ đã nhận ra ưu điểm của phương tiện. Trước đây khi xe đi vào một địa bàn phức tạp như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nếu lái xe không biết đường sẽ rất khó vận hành xe đi đúng tuyến về đúng nơi quy định. Thế nhưng khi lắp đặt thiết bị từ trung tâm điều khiển có thể hướng dẫn lái xe đi đúng đường, nhắc nhở về tốc độ, cảnh báo bất thường và từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông. Hiện Công ty Liên doanh Sơn Đức đã lắp đặt thiết bị cho 40 xe đạt 100% số xe tại công ty. Trong năm 2011, công ty đã đầu tư công nghệ an toàn qua hệ thống viễn thông, định vị toàn cầu lên tới 200 triệu đồng. Theo ông Hoàng Văn Trung, Tổng Giám đốc công ty, từ khi lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị cho các xe, số vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với xe của công ty giảm hẳn. Đặc biệt khi các lái xe phạm các lỗi tốc độ, đỗ dừng không đúng nơi quy định, lãnh đạo công ty cảnh báo được ngay. Nhờ vậy mà các vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ hầu như không xảy ra. Khác với công ty Sơn Đức, Công ty Cổ phần xe buýt Non Nước cũng đầu tư thiết bị định vị, qua đó cũng kiểm soát được tốc độ xe, ghi hình ảnh trên xe để truyền về trung tâm. Nhờ vậy công ty đã hạn chế thấp nhất những rủi ro, tai nạn, góp phần quản lý người và phương tiện.
Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009, các phương tiện chở khách đều phải lắp đặt thiết bị quản lý hành trình. Ở giai đoạn đầu sẽ khuyến khích sự tự giác, lộ trình sẽ bắt buộc đối với các xe chở khách chạy tuyến cố định, tiến tới lắp đặt cho tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ. Đây là một giải pháp mang tính khả thi rất cao nhằm kiểm soát giao thông, phòng ngừa tai nạn. Theo thống kê từ 16/11/2011, đến 15/10/2012, toàn tỉnh xảy ra 89 vụ tai nạn giao thông làm chết 82 người, bị thương 66 người (giảm 36 vụ, 33 người chết, 24 người bị thương so với kỳ trước). Trong số đó tai nạn do ô tô gây ra chiếm khoảng một phần năm số vụ, tuy nhiên không có xe nào được gắn các thiết bị cảnh báo GPS gây tai nạn. Anh Nguyễn Ngọc Nam, lái xe 47B 10025 chạy tuyến Đắc Lắc- Lạng Sơn khẳng định, lắp thiết bị định vị chỉ mất hơn 4 triệu đồng, nhưng bù lại lái xe yên tâm hơn, khi gặp sự cố, sắp gây lỗi tốc độ đều có cảnh báo vì vậy rất an toàn cho xe.
Mới đưa vào áp dụng, mặc dù hiệu quả đã rõ nhưng hiện nay nhiều nhà xe vẫn ngại lắp hoặc trốn lắp thiết bị cảnh báo, định vị toàn cầu. Điều này phần lớn do chủ xe chưa thực sự hiểu về hiệu quả do công nghệ thông tin mang lại, phần còn lại chưa thực sự quan tâm đến an toàn cho tính mạng, tài sản của chính mình và người dân. Nên chăng bên cạnh việc khuyến khích cần có chế tài, xử phạt xe không có thiết bị an toàn, tiến tới điều hành thống nhất lưu thông trên các tuyến đường. Có như vậy mới góp phần đẩy lùi tai nạn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()