Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang sôi nổi tham gia thảo luận sửa đổi Hiến pháp - Đạo luật cơ bản có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự tồn tại và phát triển đất nước. Nhân dịp này, tôi xin phát biểu đôi điều trao đổi.Với tư cách nguyên là một cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, quản lý giáo dục, tôi rất vui mừng và tự hào thấy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta luôn sát cánh với Đảng, Nhà nước gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học, một giá trị hết sức quý báu, mở ra Thời đại ánh sáng từ sau Cách mạng Tháng Tám, tự vươn lên thành một nước có trình độ phổ cập phổ thông chín năm. Mấy thập kỷ nay, nước ta đã có một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, cung cấp học vấn cho gần 23 triệu người đi học, từ bậc học mầm non đến sau đại học (tiến sĩ), đang trở thành một dân tộc thông thái, như Bác Hồ mong ước từ năm 1946. Dự thảo Hiến pháp năm...
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang sôi nổi tham gia thảo luận sửa đổi Hiến pháp – Đạo luật cơ bản có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự tồn tại và phát triển đất nước. Nhân dịp này, tôi xin phát biểu đôi điều trao đổi.
Với tư cách nguyên là một cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, quản lý giáo dục, tôi rất vui mừng và tự hào thấy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta luôn sát cánh với Đảng, Nhà nước gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học, một giá trị hết sức quý báu, mở ra Thời đại ánh sáng từ sau Cách mạng Tháng Tám, tự vươn lên thành một nước có trình độ phổ cập phổ thông chín năm. Mấy thập kỷ nay, nước ta đã có một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, cung cấp học vấn cho gần 23 triệu người đi học, từ bậc học mầm non đến sau đại học (tiến sĩ), đang trở thành một dân tộc thông thái, như Bác Hồ mong ước từ năm 1946. Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) tiếp tục duy trì, tiếp nối tư tưởng, đường lối, truyền thống này.
Nếu chỉ so sánh cụ thể các điều khoản đề cập trực tiếp về giáo dục (trong đó có cả đào tạo) thì trong Hiến pháp 1992, chương III “Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ” có hai Điều về giáo dục: Điều 35 và Điều 36. Điều 35 ghi: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước và xã hội phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Mục tiêu của giáo dục là hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; đào tạo những người lao động có nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có đạo đức, có ý chí vươn lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Điều này quy định (1) đường lối phát triển giáo dục; (2) sứ mệnh của giáo dục; (3) mục tiêu giáo dục. Điều 36 ghi: “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng. Nhà nước phát triển cân đối hệ thống giáo dục gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học; thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở; phát triển các hình thức trường quốc lập, dân lập và các hình thức giáo dục khác. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, khuyến khích các nguồn đầu tư khác. Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên bảo đảm phát triển giáo dục ở miền núi, các vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn. Các đoàn thể nhân dân, trước hết là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, gia đình cùng nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”. Điều này quy định (1) nội dung quản lý nhà nước về giáo dục; (2) hệ thống giáo dục quốc dân; (3) phổ cập phổ thông cơ sở; (4) chính sách đầu tư; (5) trách nhiệm của các tổ chức xã hội với giáo dục.
Nay trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng trong chương III với tiêu đề hơi khác, cụ thể là “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường”, cũng có hai Điều: Điều 65 quy định về đường lối cho cả giáo dục và khoa học: “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”; Điều 66 có ba khoản: khoản 1 ghi: “Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”; khoản 2 ghi: “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác”; khoản 3 ghi: “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp”.
Dễ dàng so sánh và thấy, Dự thảo vẫn giữ bảy nội dung của Hiến pháp năm 1992, chỉ bỏ nội dung “các tổ chức xã hội”, khoản 1 Điều 66 bổ sung một nội dung thuộc về đường lối: “hội nhập quốc tế”, thêm một khoản mới – khoản 3 Điều 66 về phát triển tài năng và người khuyết tật và đặc biệt khó khăn, sửa nội dung phổ cập giáo dục: không ghi cấp phổ cập. Tôi hoàn toàn đồng ý với các điểm thay đổi và bổ sung này.
Điều cảm nhận rõ nhất là từ năm 1992 đến nay đã 21 năm, trong đó tám năm kết thúc thế kỷ 20 và 13 năm mở đầu thế kỷ 21, thế giới đã và đang thực thi nhiều quan điểm, tư tưởng mới về giáo dục cho thời đại mới, như mục tiêu giáo dục nhằm phát triển con người bền vững, giá trị sống, kỹ năng sống, xã hội học tập, học suốt đời… Nước ta cũng vậy, biết bao đổi thay cực kỳ to lớn và quan trọng. Tình hình đó đã được phản ánh vào các chương mục, điều khoản của Dự thảo, tôi nhất trí.
Tuy nhiên, tôi xin nêu một số ý kiến để cùng thảo luận: Về Điều 66 trong Dự thảo tôi đề xuất chín điểm:
– Một là: Thay “…hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân…” bằng “hình thành và phát triển con người bền vững có phẩm chất và năng lực cho thế hệ trẻ…”, vì “phẩm chất và năng lực” là nội hàm của “nhân cách”.
– Hai là: Bỏ chữ “bồi dưỡng” thay bằng “phát triển”, vì “bồi dưỡng” chỉ là “thêm thắt”, còn “phát triển” có thể có thay đổi cả về số và về chất theo hướng tăng tiến, đây cũng là một phạm trù quan trọng của giáo dục hiện đại.
– Ba là: Thay chữ “công dân” bằng chữ “thế hệ trẻ”, theo tôi đúng hơn (tôi không rõ, Điều 28 ghi “Công dân đủ 18 tuổi”, như vậy dưới 18 tuổi cũng là công dân?).
– Bốn là: Thay cụm từ “ưu tiên đầu tư” bằng “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, nói “ưu tiên” không xác định bằng “đầu tư phát triển”: đầu tư cho giáo dục là đầu tư vào hạ tầng kinh tế – xã hội, tức là phải đi trước một bước so với đầu tư cho các khoản mục không phải là hạ tầng, đây cũng là một quan điểm đang thịnh hành ở các nước tiên tiến.
– Năm là: Khoản 3 Điều 66 ghi “…phát triển tài năng…”, trùng với ý “…bồi dưỡng nhân tài” trong khoản 1 Điều này, cần xem lại. Theo tôi, trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) rất nên có quan điểm này, có thể thay bằng “khuyến khích và trọng dụng người tài”.
– Sáu là: Thuật ngữ “văn hóa” trong khoản 3 Điều 66 nên xem lại. “Văn hóa” theo nghĩa rộng có “các môn học… hay các tri thức, học vấn”. Nhưng trong Dự thảo này, chương III có cả hai thuật ngữ “…văn hóa, giáo dục…”, nên nếu ở khoản 3 Điều 66 ghi “học văn hóa” là không thích hợp, nên thay bằng cụm từ “…học trường phổ thông”.
Ngoài ra, tình hình hiện nay đòi hỏi Hiến pháp quy định:
– Bảy là: “Nhà trường được tự do nghiên cứu khoa học”.
– Tám là: “Thực hiện công bằng giáo dục cho thế hệ trẻ”.
– Chín là: “Không thương mại hóa giáo dục” vào các chỗ thích hợp. Thí dụ, sau câu “…thu hút các nguồn đầu tư khác…”, có thể thêm
“… không thương mại hóa giáo dục…”; sau câu “ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc và các vùng đặc biệt khó khăn khác” có thể thêm “thực hiện công bằng giáo dục”; sau câu “khuyến khích và trọng dụng nhân tài”, có thể thêm “tự do nghiên cứu khoa học” (ở các nước khác gọi là “tự do hàn lâm”).
GS, VS, NGND PHẠM MINH HẠC
Nguyên Bộ trưởng Giáo dục
Theo Nhandan
Ý kiến ()