Góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học tập trung thảo luận vào các chủ đề quan trọng: đánh giá tổng quan dự thảo Hiến pháp sửa đổi và việc hoàn thiện thể chế chính trị; chế định quyền con người, quyền công dân; cơ chế bảo vệ Hiến pháp; chế định tư pháp. Nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của Hội đồng Hiến phápĐiều 120 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thiết kế thêm thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng Hiến pháp. Đây là thiết chế mới, xuất phát từ yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước và các hình thức dân chủ theo Nghị quyết các Đại hội IX, X, XI. Hội đồng Hiến pháp có nhiệm vụ giúp Quốc hội kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội và các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành.Theo PGS.TS....
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học tập trung thảo luận vào các chủ đề quan trọng: đánh giá tổng quan dự thảo Hiến pháp sửa đổi và việc hoàn thiện thể chế chính trị; chế định quyền con người, quyền công dân; cơ chế bảo vệ Hiến pháp; chế định tư pháp.
Nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp
Điều 120 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thiết kế thêm thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng Hiến pháp. Đây là thiết chế mới, xuất phát từ yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước và các hình thức dân chủ theo Nghị quyết các Đại hội IX, X, XI. Hội đồng Hiến pháp có nhiệm vụ giúp Quốc hội kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội và các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành.
Theo PGS.TS. Ngô Huy Cương (Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu xem Quốc hội là một định chế do nhân dân tạo dựng nên và ủy quyền, thì việc giám sát và vô hiệu hóa các hành vi vượt quá phạm vi của sự ủy quyền là rất cần thiết. Song, khi kiểm tra nếu phát hiện văn bản qui phạm pháp luật có vi phạm Hiến pháp, thì “chế tài” được quy định tại Điều này lại rất yếu khi Hội đồng Hiến pháp chỉ được “kiến nghị Quốc hội xem xét lại”, và “yêu cầu” các cơ quan khác (không phải là Quốc hội) “sửa đổi, bổ sung” hoặc “đề nghị” cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ.
PGS. TS. Ngô Huy Cương nêu rõ: Khi xây dựng một cơ quan xem xét sự vi phạm pháp luật, người ta thường phải trả lời các câu hỏi có tính nguyên tắc như: Cơ quan đó nằm ở vị trí nào trong cơ cấu nhà nước? Nó có chức năng gì? Thẩm quyền của nó bao gồm những gì? Tổ chức của nó như thế nào? Nó tiếp nhận các tố quyền hay các khiếu nại, kiến nghị như thế nào? Thủ tục làm việc của nó ra sao? Chế tài nào nó được áp dụng? và Hiệu lực phán quyết của nó như thế nào? Các câu hỏi này không được trả lời đầy đủ bởi Điều 120 của Dự thảo. Một số câu hỏi nêu trên được Điều này giải đáp nhưng không rõ ràng và nhường phần lớn cho đạo luật trong tương lai.
Do vậy, cần có một Hội đồng Hiến pháp hoạt động có hiệu quả thông qua việc tạo lập một Chương riêng. Trong đó, cần xem xét bỏ chế định Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hình thức Pháp lệnh; bỏ quy định về giám sát của Quốc hội đối với Hội đồng Hiến pháp và bỏ quy định Quốc hội có quyền xem xét báo cáo của Hội đồng Hiến pháp.
Trong khi đó, TS Đặng Minh Tuấn (Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng chỉ ra những thẩm quyền hạn chế của Hội đồng Hiến pháp cũng khiến cơ quan này khó có thể thực hiện được nhiệm vụ của cơ quan bảo hiến. Theo TS Đặng Minh Tuấn, kinh nghiệm của Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng việc thành lập một Tòa án Hiến pháp độc lập, có thẩm quyền rộng rãi và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được quyền tiếp cận (kiện) Tòa án hiến pháp là những điều kiện tiên quyết tạo ra sự thành công của thiết chế bảo hiến. . Nếu chưa thành lập được Tòa án Hiến pháp, thì Hội đồng Hiến pháp theo Dự thảo cũng cần phải được cải cách theo hướng nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan này.
TS Nguyễn Văn Yểu, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm Hội đồng Hiến pháp là một định chế kiểm hiến thích hợp nhất đối với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay xét từ phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, truyền thống, cũng như văn hóa pháp lý và trình độ luật học, tuy nhiên theo TS Nguyễn Văn Yểu nên chăng bổ sung quyền tài phán cho Hội đồng Hiến pháp.
Cần ghi nhận đầy đủ nội dung các Quyền trong Dự thảo Hiến pháp
Theo GS, TS Trần Ngọc Đường – chuyên gia cao cấp của Quốc hội nhận xét, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có bước phát triển mới về nhận thức và cách thức thể hiện thông qua nội dung các quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên. Đồng thời, chỉ rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Cùng với đó, một số quyền mới được bổ sung thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng và phát triển quyền, phản ánh kết quả của quá trình đổi mới hơn ¼ thế kỷ ở nước ta. Đó là các quyền: “Quyền được sống trong môi trường trong lành” (điều 46); “Quyền xác định dân tộc” (điều 45)…
Lần đầu tiên giới hạn của các quyền được quy định thành nguyên tắc hiến định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng” (điều 15). Theo đó, từ nay không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoài các trường hợp cần thiết nói trên do luật định.”
Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng trong Dự thảo lại không xác định “giới hạn bằng luật” để đảm bảo các quyền cơ bản được thực hiện trong thực tế. Để khắc phục tình trạng quyền hiến định không được thực thi, vì phải chờ luật cụ thể hóa, Hiến pháp cần quy định nguyên tắc quyền hiến định phải được áp dụng trực tiếp nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục khi các quyền cơ bản của công dân bị vi phạm.
Liên quan đến nội dung này, nghiên cứu viên Trương Hồng Quang, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cũng nhận định: Các quy định của Dự thảo Hiến pháp và pháp lệnh hiện hành chưa thể hiện hết nội hàm Quyền riêng tư và còn khá chung chung. Theo ông Hồng Quang, tôn trọng quyền riêng tư là một yêu cầu tất yếu đặt ra cho tất cả mọi người, buộc mọi người phải tuân thủ. Vì vậy, nên ghi nhận đầy đủ Quyền riêng tư để tạo cơ sở cho việc cụ thể hóa thành pháp luật.
Cũng theo ông Quang, quy định về bãi nhiệm đại biểu cũng chưa được ghi nhận thành quyền trong Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Ông Trương Hồng Quang cho rằng, quyền bãi nhiệm đại biểu gắn liền với quyền bầu cử của nhân dân. Đây là một trong những hình thức thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân. Thông qua hình thức này, công dân thể hiện sự bất tín nhiệm của mình với những đại biểu được dân bầu không hoàn thành sứ mệnh là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của họ. Vì vậy nên chuyển quy định tại khoản 2 điều 7 Dự thảo về chương II của Dự thảo để tạo sự thống nhất và gắn kết của Hiến pháp.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()