Thứ 4, 05/02/2025 09:42 [(GMT +7)]
Góp sức cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc
Thứ 2, 11/07/2011 | 10:44:00 [(GMT +7)] A A
Cuối giờ sáng 10-7, gần 633.800 thí sinh dự thi đại học khối B, C, D hoàn thành môn thi cuối, cơ bản khép lại hai đợt thi đại học năm 2011. Kỳ thi dù không phải là tất cả nhưng cũng là “nút thắt” quan trọng đánh dấu bước học tập, lựa chọn nghề nghiệp tiếp theo của học sinh sau 12 năm đèn sách, cũng như đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo.
Các thí sinh tại Hội đồng thi Học viện Hành chính (thuộc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) sau giờ thi. Ảnh : Đăng Khoa.
Vì vậy, môn thi cuối kết thúc vẫn để lại những cung bậc cảm xúc khác nhau với mỗi thí sinh, phụ huynh cũng như những người làm công tác thi và các lực lượng xã hội.
Tăng cơ hội trúng tuyển
Mặc dù kỳ thi 'ba chung' đến nay đã triển khai được mười năm, mang lại nhiều kết quả khả quan nhưng để phù hợp thực tiễn phát triển giáo dục, kỳ thi năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tiếp tục có một số thay đổi hợp lý. Trong đó, quy định người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày thì hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe
và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học. PGS,TS Lê Hữu Lập, Trưởng ban chỉ đạo thi Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông (HVCNBCVT) cho rằng: Điểm mới này đã tạo điều kiện tốt cho các thí sinh bị thiệt thòi có cơ hội theo đuổi ước mơ học tập. Tại HVCNBCVT có hai thí sinh khuyết tật, theo quy chế thi, có một thí sinh được đặc cách còn một thí sinh khi hoàn thiện hồ sơ sẽ được xét duyệt. Ngoài ra, các trường đại học có thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên đều tích cực tạo điều kiện, xét tuyển thẳng các thí sinh vào học tập như: Đại học Đà Nẵng có bốn thí sinh; trong đó, hai thí sinh Lê Quang Đạt và Võ Đình Cường, học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu, được ưu tiên xét tuyển vào khoa sử và khoa ngữ văn. Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế đồng ý tiếp nhận mười thí sinh khiếm thị vào ngành đông phương học, công tác xã hội, xã hội học và ngữ văn…
Một điểm mới khác quy định trong thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT), hằng ngày các trường cập nhật thông tin và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường. Từ những thông tin công khai đó, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác thì các trường phải tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT. Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, điều này sẽ giúp thí sinh có cơ sở thực tế hơn trong việc chọn trường xét tuyển; thay vì lo lắng chờ đến ngày công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng hai hoặc ba, thí sinh có thể tự xác định được điểm thi của mình có cơ hội đỗ hay không ngay từ khi nộp hồ sơ xét tuyển. Điều này sẽ giảm thiểu tình trạng thí sinh có điểm thi cao mong muốn được học tập thì không được đi học trong khi có trường muốn tuyển lại không tuyển được.
Chung tay góp sức
Năm nào cũng vậy, mỗi đợt thi có bao nhiêu thí sinh thi là có nhiều hơn bấy nhiêu sự kỳ vọng, trăn trở, lo âu… Với các sĩ tử và người nhà từ xa về các thành phố dự thi, không phải ai cũng có điều kiện dư dả để có thể tìm được chỗ ăn, ở tốt nhất. Nhiều gia đình phải tích cóp, chạy vạy từng đồng để đưa con đi thi trong thời buổi giá cả đắt đỏ. Những băn khoăn, lo lắng và sự nỗ lực của các thí sinh, phụ huynh đã nhận được sự cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ của toàn xã hội. Ngoài những nỗ lực của ngành GD và ĐT, các hội đồng thi, ngành công an, giao thông vận tải và nhất là lực lượng sinh viên, thanh niên tình nguyện và các tổ chức đoàn thể khác đã tạo điều kiện tốt nhất giúp đỡ các thí sinh dự thi và góp phần tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Đã có hàng trăm nghìn chỗ ở giá rẻ, chỗ ở miễn phí cùng hàng chục nghìn suất ăn miễn phí của các gia đình, tổ chức, cá nhân, ký túc xá các trường đại học các tỉnh, thành phố, góp phần giúp hành trình lều chõng đi thi của các 'sĩ tử' bớt phần gian nan.
Điển hình như tại Thừa Thiên – Huế, chỉ riêng đợt hai của kỳ thi, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã chuẩn bị hơn năm nghìn suất cơm chay phục vụ thí sinh miễn phí. Chia sẻ sự đồng cảm với những khó khăn của thí sinh, Ni cô Diệu Hải chùa Từ An, TP Huế cho biết: Phục vụ bữa ăn miễn phí là sự gửi gắm tất cả tâm tư, tình cảm của những người tu hành với những thí sinh. Vừa nấu ăn, vừa niệm Phật, các tăng ni trong chùa luôn gia tâm cầu nguyện cho các em làm bài thi may mắn và có bữa ăn ngon, bảo đảm sức khỏe. Thí sinh Phạm Ngọc Lan (quê ở tỉnh Hà Tĩnh) dự thi vào Trường đại học Sư phạm Huế, đi thi đại học một mình, xa nhà cho nên rất lo lắng. Ngọc Lan tâm sự: 'Vừa vào đến Huế, em được các bạn tình nguyện viên giới thiệu chỗ trọ miễn phí, lại được các sư thầy cho ăn cơm chay miễn phí cho nên rất cảm động và tự hứa sẽ cố gắng thi thật tốt, không phụ lòng mọi người'.
Cũng như ở Huế, tại Trường đại học Luật Hà Nội, hãng thời trang Ivy Moda tổ chức cấp sáu nghìn suất ăn miễn phí cho thí sinh trong hai đợt thi. Mỗi thí sinh và người nhà sẽ nhận hai suất ăn và nước uống miễn phí cùng với hoa quả. Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Anh tâm sự: Chúng tôi thực hiện chương trình chỉ với mong muốn tạo phong trào tiếp sức mùa thi đồng hành cùng thí sinh và là cầu nối nhân rộng chương trình cùng các tổ chức và doanh nghiệp nhằm góp một phần nhỏ bé chung tay hỗ trợ các thí sinh đạt kết quả tốt.
Hai đợt thi đại học khép lại trong trật tự, an toàn và nghiêm túc ghi nhận sự nỗ lực góp sức của lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện làm việc tích cực, hiệu quả. Tại Hội đồng tuyển sinh Học viện Hành chính Quốc gia, bạn Trương Thị Thủy, sinh viên tình nguyện của trường chia sẻ: Cả đội phải đến từ sớm hỗ trợ phân làn đường nhằm giảm bớt ùn tắc giao thông, hướng dẫn cho các 'sĩ tử' và người thân đến được địa điểm thi một cách nhanh nhất; tổ chức trông coi đồ đạc cho các thí sinh và hướng dẫn các bạn những đồ dùng nào được phép mang vào phòng thi để tránh vi phạm quy chế thi. Thủy cho biết: Dưới cái nắng gần 40oC, cứ cuối mỗi buổi ai nấy đều mệt nhưng cũng không ai muốn bỏ cuộc, ngày nào cũng đến từ sớm tinh mơ.
Để kỳ thi trọn vẹn hơn
Những kết quả đạt được của hai đợt thi sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc tuyển chọn những thí sinh có năng lực vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tuy nhiên, để kỳ thi đại học thật sự trọn vẹn vẫn cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực của mỗi cán bộ coi thi, mỗi thí sinh, phụ huynh cũng như các lực lượng xã hội. Gần đây đã có những chuyển biến về tâm lý, nhận thức trong việc xác định đỗ vào đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay vẫn còn khoảng 21,4% số hồ sơ ảo khiến cho công tác chuẩn bị thi tốn kém hàng chục tỷ đồng. Tâm lý thi cử vẫn còn là áp lực nặng nề với thí sinh, phụ huynh. Nhiều thí sinh sau khi ôn tập thi cử miệt mài cùng với áp lực và tâm lý cho nên bị ốm, không làm được hết bài thi theo khả năng kiến thức. Đây là điều rất đáng lưu tâm cho các kỳ thi sau, cần trang bị kiến thức và giúp các em bình tĩnh, tự tin, xác định năng lực của mình ngay từ quá trình học tập và ôn tập trước khi bước vào kỳ thi.
Ngoài ra, Bộ GD và ĐT đã tổ chức phổ biến quy chế nhiều lần nhưng ở một vài điểm thi vẫn còn để xảy ra sai sót trong công tác coi thi như: Tại Hội đồng thi Trường đại học Giao thông vận tải Hà Nội và Học viện Hành chính Quốc gia một số đề thi môn Hóa (mã đề 318) bị nhầm một trang với mã đề khác ở một số phòng thi. Hai cán bộ coi thi đã thu lại bài làm của thí sinh sau 120 phút làm bài và phát giấy thi mới để thí sinh chép lại bài thi do cán bộ coi thi ký nhầm vào ô ký của cán bộ chấm thi trên giấy tại phòng thi số 41, điểm thi Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin. Những sự cố ấy đã được giải quyết hợp lý nhưng cũng cho thấy cần phổ biến quy chế thi sát sao hơn nữa; đồng thời mỗi người làm thi, mỗi hội đồng thi cần luôn xác định việc in sao, coi thi… là trách nhiệm không chỉ với một hai thí sinh mà còn là trách nhiệm với toàn xã hội.
Đáng chú ý, việc thay đổi quy chế cho phép các trường xét tuyển thí sinh khuyết tật không thể tự phục vụ nhu cầu bản thân… nhưng có rất nhiều thí sinh thuộc đối tượng này không biết. Chỉ đến khi trải qua một ngày vất vả với hành trình 'lều chõng' đến các hội đồng thi mới biết sẽ được xem xét đặc cách. Điều đó đòi hỏi ngành GD và ĐT cần phổ biến những thay đổi kịp thời cho thí sinh nắm được, nhất là quá trình thí sinh làm thủ tục, hồ sơ đăng ký dự thi, tránh những sai sót, vướng mắc hoặc những thiệt thòi đáng tiếc xảy ra.
Có thể nói, hai đợt thi đại học năm 2011 khép lại về cơ bản bảo đảm trật tự, nghiêm túc, an toàn. Kết quả ấy không chỉ có sự nỗ lực vào cuộc của ngành GD và ĐT mà của cả các tổ chức xã hội cùng sự nỗ lực của mỗi thí sinh, phụ huynh… tạo những bước đi thích hợp trong tổ chức thi, tuyển sinh, góp phần tạo tiền đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
– Hai đợt thi có 217 lượt trường đại học tổ chức với tổng số 1.333.428 thí sinh dự thi đạt 78,58% so với đăng ký (tăng 1,58% so với năm 2010).
– Các trường đã xét tuyển thẳng 30 thí sinh khuyết tật theo quy chế thi.
– Trên phạm vi toàn quốc, đã huy động hơn 37 nghìn thanh niên sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác tổ chức thi.
– Các hội đồng thi đã xử lý kỷ luật 326 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó đình chỉ 240 thí sinh. Ngoài ra có sáu cán bộ tham gia công tác tuyển sinh bị xử lý kỷ luật.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()