Góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống
– Những năm qua, công tác xây dựng và triển khai thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm tổ chức hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Người dân khối 1, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn tìm hiểu về các quy tắc chung của hương ước khối trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Văn hóa Lạng Sơn từ bao đời nay được bồi đắp bằng hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của các dân tộc quần cư tại đây. Hiện nay, tại Lạng Sơn có 7 dân tộc chính cùng sinh sống (Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Hmông, Sán Chỉ), mỗi dân tộc chứa đựng sắc thái văn hóa, phong tục tập quán trong đời sống và các nghi lễ vòng đời (cưới hỏi, ma chay…) riêng, tạo nên bức tranh đa sắc màu. Việc xây dựng hương ước, quy ước và phát huy tốt hiệu quả của nó chính là góp phần nâng cao, lan tỏa các giá trị truyền thống tốt đẹp và dần loại bỏ hủ tục.
Bảo lưu giá trị văn hóa tốt đẹp, bài trừ hủ tục
Đến thôn Đoàn Kết, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình, nơi có gần 100% đồng bào người Dao sinh sống, hỏi về những tác động tích cực của hương ước, quy ước trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, ông Triệu Tiến Lương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đoàn Kết cho biết: “Những giá trị văn hóa của người Dao chúng tôi được lưu giữ là nhờ người dân nghiêm túc thực hiện những quy định trong hương ước của thôn. Phát huy những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống, hiện nay chúng tôi đã tích cực “gạn đục khơi trong”, tiếp thu đón nhận những điều tiến bộ bổ sung vào hương ước quy ước. Cụ thể trong việc cưới, việc tang, trước đây gia đình có tang phải mổ trâu, bò tốn kém lắm, giờ theo hương ước, quy ước mới, chúng tôi không mổ trâu, bò nữa. Hay như đối với việc cưới quy định “Không tổ chức tảo hôn, thách cưới, đám cưới phải phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc…”. Nhờ đó, hiện nay thôn không còn tảo hôn, trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, lễ cầu mùa, 100% bà con trong thôn đều mặc trang phục truyền thống. Ngoài ra, tất cả trẻ em gái trong thôn từ 8 tuổi đều được người lớn dạy thêu thùa, may trang phục truyền thống và hát các làn điệu dân ca”.
Không riêng thôn Đoàn Kết, xã Ái Quốc, các thôn, bản, khối phố thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lộc Bình đã tích cực, chủ động trong việc phát huy vai trò của hương ước trong bảo tồn bản sắc văn hóa. Đến nay, trên 200 thôn, khối phố của huyện đã có hương ước, quy ước được phê duyệt thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.
Hay như tại huyện Hữu Lũng, việc thực hiện hương ước, quy ước cũng giúp cho bà con trong thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành ý thức hơn trong việc bài trừ những hủ tục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Ông Chu Khải Thiện, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Lệ cho biết: Thôn có 232 hộ dân và 987 nhân khẩu. Để giữ gìn những di tích văn hóa cũng như những nét sinh hoạt văn hóa cổ, chính là nhờ ban cán sự thôn và bà con nơi đây nghiên cứu đưa vào những nội quy của bản hương ước. Nhờ đó mà đến nay, các đám cưới ở thôn hầu như đã bỏ được bữa phụ, không có tình trạng tảo hôn; đối với việc tang, cơ bản không còn những tập tục lạc hậu như: để linh cữu quá 48 tiếng, đánh trống kèn quá giờ quy định. Trong lễ hội bà con đều nhiệt tình tham gia vào các công việc chung, đặc biệt, từ cuối năm 2020 đến nay, bà con trong thôn đã ủng hộ trên 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công xây dựng con đường hoa từ cổng đền Bắc Lệ đến UBND xã với chiều dài hơn 1 km.
Được biết, hiện nay, trên 90% các thôn trong huyện Hữu Lũng đã xây dựng, sửa đổi hương ước và đã được UBND huyện công nhận. Các bản hương ước đều có những quy định về việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống trong việc cưới việc tang, khuyến học khuyến tài, giữ gìn và bảo tồn những di tích đình, đền, chùa, lễ hội vùng miền…
Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, 203/203 thôn, khối phố của huyện đã có bản hương ước, quy ước mới được phê duyệt. Nhờ việc xây dựng và thực hiện tốt các bản hương ước, quy ước nên ngoài việc thực hiện tốt những nét văn hóa văn minh thì người dân cũng có ý thức tích cực đóng góp đầu tư, tôn tạo nhiều di tích. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã trùng tu, tôn tạo hơn 10 di tích với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng, trong đó, nguồn xã hội hóa là gần 8 tỷ đồng và nhà nước hỗ trợ 750 triệu đồng. Ngoài ra, kinh phí tổ chức của toàn bộ 23 lễ hội trên địa bàn đều được sử dụng từ nguồn công đức và Nhân dân đóng góp.
Ngoài các huyện trên, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống được nhiều địa phương thực hiện nghiêm túc. Thông qua việc thực hiện hương ước, quy ước các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Đó là việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ đình làng và các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương. Tiêu biểu, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách Nhà nước, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có gần 60 lượt di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí là trên 84 tỷ đồng (trong đó, nguồn lực xã hội hóa là chiếm 55,1%). Thông qua đó đã góp phần khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với việc xây dựng những giá trị văn hóa mới.
Tiếp tục quan tâm xây dựng hương ước, quy ước
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Trên địa bàn tỉnh, nhiều hương ước, quy ước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã kết hợp hài hòa giữa luật tục truyền thống với pháp luật của Nhà nước, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; hỗ trợ đắc lực cho các cuộc vận động về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự… Để hương ước, quy ước phát huy giá trị, hằng năm, chúng tôi hướng dẫn các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra nội dung hương ước, quy ước để có điều chỉnh, thay đổi phù hợp với tình hình địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.800 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt và đưa vào thực hiện.
Cùng với đó hằng năm, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đều tiến hành in các tài liệu hướng dẫn về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và tổ chức bồi dưỡng, tuyên truyền về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cho công chức phòng văn hóa – thông tin các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND, công chức bộ phận văn hóa – xã hội các xã, phường, thị trấn và trưởng thôn, tổ dân phố; phối hợp với các đơn vị liên quan, các huyện, thành phố tổ chức 10 lớp tập huấn chuyên môn và lồng ghép hướng dẫn về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cho hàng nghìn học viên là lãnh đạo, chuyên viên phòng văn hóa – thông tin các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND các phường, xã, cán bộ văn hóa cơ sở. Đồng thời in, cấp phát gần 10.000 cuốn tài liệu về hương ước, quy ước cho cơ sở.
Theo đó, nhiều địa bàn đã có sự chủ động trong việc sửa đổi, bổ sung và xây dựng các bản hương ước, quy ước gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, tiêu biểu có thành phố Lạng Sơn. Ông Trần Lệnh Trưởng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố ban hành một số văn bản để thực hiện tốt công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở khối, thôn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Trong đó, tập trung xây dựng quy ước, hương ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo tồn, phát huy và mở rộng các loại hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước tại 87/87 thôn, khối phố. Thực hiện hương ước, quy ước mới, mỗi người dân đều nâng cao ý thức hơn trong các hoạt động cộng đồng.
Với nhiều giải pháp tích cực của các cấp, ngành của tỉnh, hương ước, quy ước đã phát huy hiệu quả trong việc quản lý cộng đồng dân cư, qua đó góp phần hình thành văn hóa cộng đồng và gìn giữ các giá trị văn hóa tiêu biểu của địa phương.
Ý kiến ()