Góp phần tăng cường tiếng nói của lao động nữ di cư
Lao động nữ di cư là lực lượng lao động tích cực trên thị trường, tham gia vào cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, họ cũng là nhóm dân số phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống tại nơi di trú.
Đó là thông tin đã được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư tại Việt Nam do Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức ngày 20/12, tại Hà Nội.
Nghiên cứu tập trung tìm hiểu thực trạng tiếp cận các quyền xã hội, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, nhà ở, an sinh xã hội và trường mẫu giáo cho con cái họ.
Theo báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ Xã hội cùng AFV thực hiện vào tháng 11 năm 2018 cho biết có 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% nữ lao động di cư gặp khó khăn về chỗ ở, và 97,9% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội.
Lao động nữ di cư là lực lượng lao động tích cực trên thị trường, tham gia vào cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, họ cũng là nhóm dân số phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống tại nơi đến; là nhóm dân số chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương trong xã hội; nhưng mạng lưới an sinh xã hội từ trước đến nay chưa bao phủ nhiều đến họ, đặc biệt là nhóm đang làm ở khu vực kinh tế phi chính thức.
Lao động nữ di cư có hiểu biết hạn chế về các quyền và thông tin an sinh xã hội về việc làm và thu nhập, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên do môi trường làm việc và chế độ làm việc khác nhau, lao động nữ di cư khu vực chính thức vẫn có hiểu biết tốt hơn lao động nữ di cư khu vực phi chính thức về các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội và tham gia tổ chức đại diện. Do hiểu biết hạn chế về quyền an sinh xã hội của mình nên nhiều lao động nữ di cư cũng không biết cách làm thế nào để tiếp cận các quyền an sinh xã hội hay tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ để tiếp cận các quyền đó tại nơi đến. Khó khăn lớn nhất mà người di cư gặp phải ở nơi đến là chỗ ở. Họ cũng bất lợi hơn lao động địa phương khi chịu chi phí sinh hoạt (điện, nước) cao hơn do chủ nhà trọ áp dụng giá điện, nước kinh doanh đối với người thuê. .
Báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” cũng đã đưa ra các khuyến nghị chính sách để đảm bảo quyền an sinh xã hội cho lao động nữ di cư: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền ASXH, ý thức chủ động trong tìm hiểu thông tin của người lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng; Tiếp tục phát huy vai trò của các bên liên quan trong việc hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong tiếp cận các dịch vụ xã hội bình đẳng, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương nơi có nhiều lao động nữ di cư đến sinh sống và làm việc cũng như tăng cường công tác thống kê về người lao động di cư để có dữ liệu nhận diện và quản lý người lao động di cư.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam Tạ Quang Anh cho biết, nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội cho lao động nữ di cư ở Việt Nam” là một phần của Dự án “Thúc đẩy quyền xã hội toàn cầu cho lao động nữ di cư tại Việt Nam” với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung châu Á – Thái Bình Dương (RLS) và tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV). Đây là nỗ lực hợp tác giữa Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quỹ AFV nhằm đánh giá thực trạng lao động nữ di cư đang tiếp cận tới hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước, để từ đó tìm ra những khoảng trống trong chính sách và thực hiện nhằm hỗ trợ lao động nữ di cư tiếp cận quyền này được tốt hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam Tạ Quang Anh hy vọng, thông qua buổi hội thảo, các đại biểu sẽ đóng góp nhiều ý kiến góp phần hoàn thiện những đề xuất góp phần đẩy mạnh quyền và khả năng tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội như y tế, nhà ở, giáo dục,… và tăng cường tiếng nói của lao động nữ di cư.
Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã đóng góp, đề xuất các biện pháp, qua đó, phần nào giúp các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về tình trạng đời sống và vấn đề phúc lợi xã hội của nhóm lao động nữ di cư cả chính thức và phi chính thức, từ đó, nhằm đưa ra và cải thiện chính sách cũng như phân bổ ngân sách một cách hợp lý hơn./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()