Góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Trong 10 năm (2010-2020), việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp tỉnh Nghệ An nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn cũng như tăng năng suất lao động, tăng thu nhập…, tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nằm khá sâu trong ngõ nhưng nhà hàng Hà Dũng ở xóm Trung Đức, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vẫn đông khách. Chị Dương Thị Thanh Hà, chủ nhà hàng Hà Dũng cho biết: “Trước đây, tôi thuê mặt tiền trên trục đường chính mở hàng ăn. Do tay nghề còn “non” nên khách hàng ít. Sau khi tham gia lớp học kỹ thuật nấu ăn ba tháng, lại được giáo viên tư vấn về nấu nón ăn đặc sản từ nguồn thực phẩm địa phương và cách phục vụ sao cho hút khách, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây quán ở trong lối xóm. Nhà hàng đã đặt mua rau, nông sản sạch, gà, vịt… của bà con địa phương. Với phương châm phục vụ: ngon, bổ, rẻ nên khách hàng ngày một đông. Ngoài bán hàng ăn sáng, nhà hàng còn nấu cơm phục vụ lao động xây dựng trình, hội nghị và quán nhậu bình dân. Nhà hàng hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho thêm ba lao động”.
Chị Hoàng Thị Hà, cán bộ chính sách xã Nam Cát cho biết, sau hơn ba tháng học chế biến thực phẩm, nấu ăn, 30 người tham gia khoá học đã tốt nghiệp. Có chứng chỉ hành nghề, lại được các giáo viên hướng dẫn nhiệt tình về cách nấu ăn ngon, tạo món đặc sản từ nguồn thực phẩm sạch của địa phương, một số người tự tin mở nhà hàng, trong đó có chị Hà. Nhiều người khác đã xin vào làm đầu bếp ở các nhà máy, nhà hàng, trường học trong vùng.
Ngoài lớp đào tạo nấu ăn, trong năm 2020, xã còn mở được hai lớp may, thêu ren cho gần 70 lao động nữ. Sau khi tốt nghiệp, nhiều chị em đã có việc làm ổn định với thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng thông qua việc nhận may gia công cho các công ty hay may cờ tổ quốc.
Được biết, 10 năm qua, xã Nam Cát đã mở được 12 lớp dạy nghề cho gần 400 lao động nông thôn; đã tạo việc làm theo đúng nghề đào tạo cho gần 240 lao động với thu nhập ổn định ở ngay tại quê hương. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới cho Nam Cát, giúp xã thuần nông này về đích nông thôn mới năm 2014.
Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện Nam Đàn, Nguyễn Xuân Dũng cho biết: Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện đã hướng vào thế mạnh và nhu cầu của từng địa phương. Ví dụ ở xã Xuân Hoà, người dân chăm chỉ bám đồng ruộng, lại có nhu cầu học nghề trồng hoa, nên huyện đã tổ chức các lớp dạy nghề trồng hoa cho hàng trăm lượt lao động cùng các đợt đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm trồng hoa ở các tỉnh bạn. Đến nay, trồng hoa ở Xuân Hoà đã trở thành nghề truyền thống với khoảng 150 lao động tham gia trồng hoa trên diện tích 5,5 ha cho thu nhập khoảng 120-150 triệu đồng/sào/vụ. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo thêm thu nhập cho nông dân.
Ở xã Kim Liên, nhờ tham gia các lớp trồng hoa, làm nấm…phục vụ khách du lịch đến thăm quê Bác mà người dân có thu nhập cao hơn và ổn định hơn.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Nam Đàn, Vương Hồng Thái, 10 năm qua, toàn huyện đã tổ chức cho hơn 13 nghìn lượt lao động nông thôn được học các nghề chăn nuôi, kỹ thuật nông nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng nấm, nấu ăn, may công nghiệp, thêu ren… Nhiều lao động sau khi học nghề đã tìm được việc làm mới. Số lao động còn lại tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn. Điều quan trọng nữa là số lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo nhờ được học nghề mà đã có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo. Điều này cũng góp phần giúp Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2018 và phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Ở huyện miền núi Tân Kỳ, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cũng được địa phương chú trọng. Phó chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, Nguyễn Văn Thực cho biết, 10 năm qua, Tân Kỳ mở được 117 lớp, với 3.653 lao động tham gia học các nghề chủ yếu như: chăn nuôi, thú y, trồng cây ăn quả, sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp và một số nghề truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm. Trong số này, có khoảng 85% số người đã tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định…
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với 85% diện tích là đồi núi, khí hậu tương đối khắc nghiệt; dân số đông với hơn 3,3 triệu người, chủ yếu sống ở nông thôn, miền núi…nên nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với lao động nông thôn là rất lớn. Ngay sau khi có Đề án trên, Nghệ An đã tổ chức quyết liệt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xem đây là cơ hội để góp phần giúp lao động ở vùng nông thôn, miền núi được học nghề, có điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập…
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, 10 năm qua, Nghệ An đã hỗ trợ cho hơn 85 nghìn lao động nông thôn (lao động nữ chiếm 59,24%) học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg; trong đó, hơn 48% học nghề nông nghiệp và hơn 51% học nghề phi nông nghiệp. Trong số này, có gần 33 nghìn người thuộc diện ưu tiên, như đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, người khuyết tật… Đã có hơn 79% số người có việc làm sau học nghề, thông qua doanh nghiệp tiếp nhận hay lao động thành lập tổ, nhóm sản xuất, kinh doanh; tự mình mở các cơ sở sản xuất, nghề tiểu thủ công nghiệp…Có hàng chục nghìn lao động nông thôn tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Một số nghề tỷ lệ có việc làm cao, đạt trên 85-90% như: may công nghiệp, hàn, điện dân dụng, trồng nấm, trồng rau an toàn, mây tre đan xuất khẩu, chăn nuôi thú y…
Nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề có hiệu quả như các huyện: Yên Thành với nghề trồng nấm, may công nghiệp; Diễn Châu, Quỳnh Lưu với nghề mây tre đan, may công nghiệp; Thanh Chương với nghề chăn nuôi, trồng hoa, mộc dân dụng; Nam Đàn với nghề trồng hoa, cây cảnh, thêu ren; Nghĩa Đàn với nghề nuôi ong, nuôi gà, trồng cây ăn quả; Con Cuông với nghề trồng cam, dệt thổ cẩm,… Nhiều lao động sau khi học nghề đã tự tin đứng ra thành lập trang trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Một số nông dân tiêu biểu như ông Ngô Văn Tứ ở xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) với mô hình chăn nuôi gà cho thu nhập 400 triệu đồng/năm; bà Nguyễn Tử Mỹ ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) với mô hình trồng dưa lưới, dưa lê tiêu chuẩn VietGAP cho thu nhập 300 triệu đồng/năm; bà Nguyễn Thị Vân ở xã Châu Quang (Quỳ Hợp) với mô hình chăn nuôi lợn cho thu nhập 400 triệu đồng/năm…
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An, việc triển khai Đề án này còn những tồn tại, hạn chế. Đó là cơ cấu trình độ đào tạo nghề nghiệp còn chưa hợp lý, chủ yếu là đào tạo trình độ sơ cấp và đạo tạo dưới ba tháng; số lao động học cao đẳng, trung cấp còn thấp, mới chiếm 13,67%; kết quả hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Đề án còn thấp, mới đạt 74,66% kế hoạch. Chất lượng, hiệu quả một số ngành, nghề chưa cao; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc công nghiệp, kỹ năng làm việc theo nhóm của một bộ phận người học ngành, nghề phi nông nghiệp còn hạn chế. Ngân sách nhà nước bố trí thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đề án mới bảo đảm 39,5% mục tiêu đề án…
10 năm qua, Nghệ An đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 839 nghìn lượt người, trong đó lao động nông thôn gần 630 nghìn lượt người…
Theo Nhandan
Ý kiến ()