Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
Nhân dịp chuẩn bị đón chào năm mới 2023 và Tết cổ truyền Quý Mão; kỷ niệm 77 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2023), chiều 27/12, Văn phòng Quốc hội chủ trì phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động. |
Phát biểu tại lễ phát động Giải Diên Hồng, thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban tổ chức giải nêu rõ: Cùng với sự phát triển của các cơ quan thông tấn, báo chí, số lượng các nhà báo, phóng viên tham gia đưa tin về Quốc hội, Hội đồng nhân dân ngày càng đông đảo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu dự lễ phát động. |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Hiện nay, mỗi kỳ họp Quốc hội đều có sự tham dự và đưa tin của hàng trăm cơ quan thông tấn, báo chí, với gần 500 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng có hơn 60 cơ quan thông tấn, báo chí tham dự, đưa tin.
“Hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các địa phương cũng luôn nhận được sự quan tâm, phản ánh kịp thời của các cơ quan thông tấn, báo chí” – đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, chất lượng tin, bài ngày càng được nâng lên rõ rệt, có nhiều bài phân tích, bình luận sắc sảo; có nhiều phóng sự, chuyên đề đặt ra những vấn đề mới, góp phần tích cực vào việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tạo hình ảnh tốt đẹp của cơ quan dân cử trong lòng công chúng.
Với truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người làm báo ngày càng trưởng thành về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, các nhà báo, phóng viên tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp, bám sát thực tiễn; hiểu sâu sắc, toàn diện về tổ chức, hoạt động của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về công tác thông tin, báo chí; phản ánh kịp thời, chính xác và có những phân tích sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Giải Diên Hồng. |
Trong đó, theo đồng chí, báo chí cần chú trọng việc phát hiện, đề xuất những cơ chế, chính sách, vấn đề mới trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó có nhiều bài viết nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình có nhiều đóng góp trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tạo sự lan tỏa tích cực, cổ vũ, phát huy tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo trong nhân dân, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để triển khai hiệu quả Giải Diên Hồng lần thứ nhất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đồng chí trong Ban Chỉ đạo bám sát mục đích, yêu cầu, nội dung, thể lệ, biện pháp tổ chức thực hiện trong Đề án đã được phê duyệt, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác tổ chức Giải; chú trọng công tác tuyên truyền nhằm thu hút sự tham gia rộng rãi của các cơ quan thông tấn, báo chí, cử tri và nhân dân.
“Việc xét chọn các tác phẩm dự Giải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, chính xác; từ đó tuyển chọn được những tác phẩm đặc sắc, mang đậm dấu ấn đúng như tên gọi của Giải”- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại lễ phát động. |
Tại buổi lễ, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ thì việc đẩy mạnh công tác báo chí, thông tin tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công chung của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Do đó, theo ông Bùi Văn Cường, việc xây dựng Đề án tổ chức Giải Diên Hồng là cần thiết, là biện pháp hữu hiệu thu hút các cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin, phản ánh về Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Theo Ban tổ chức, trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều cải tiến, đổi mới, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, trong đó có công tác báo chí; các phóng viên đưa tin, tác nghiệp luôn được tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng các tác phẩm báo chí về Quốc hội vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Quốc hội, cần được tăng cường hơn nữa.
Giải Báo chí Diên Hồng tôn vinh những tác giả (nhóm tác giả) có tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao cả về nội dung và hình thức, mang lại hiệu ứng xã hội rộng lớn, đóng góp tích cực vào sự đổi mới, phát triển về tổ chức và hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; tạo môi trường, động lực cho đội ngũ phóng viên, các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước phấn đấu, cống hiến, cổ vũ phong trào thi đua lao động, sáng tạo của người làm báo nói chung, đội ngũ phóng viên phản ánh về Quốc hội, Hội đồng nhân dân nói riêng…
Các đại biểu dự lễ phát động Giải Diên Hồng. |
Ban tổ chức cho biết: Đối tượng và tác phẩm tham dự giải, về tác giả: Các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí là công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài) hoặc người nước ngoài có tác phẩm báo chí (viết bằng tiếng Việt) được đăng, phát trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình) theo quy định của pháp luật, phù hợp quy định của Thể lệ Giải Diên Hồng đều có quyền gửi bài tham dự giải. Tác giả tham dự giải không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ phát động Giải Diên Hồng. |
Về thời gian tổ chức giải, Giải Diên Hồng được tổ chức thường niên mỗi năm một lần. Dự kiến thời gian phát động giải vào tháng 2, hạn nhận bài tham dự giải vào tháng 11 và tổ chức Lễ trao giải vào dịp kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946) hằng năm.
Được biết, năm 2015 và năm 2020, Văn phòng Quốc hội phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thành công 2 giải báo chí 70 năm Quốc hội Việt Nam (1946-2016) và 75 năm Quốc hội Việt Nam (1946-2021), nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, tích cực của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước.
Giải Diên Hồng lần thứ nhất dự kiến tổ chức Lễ trao giải vào tháng 6/2023, nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Về số lượng, giá trị giải thưởng:
Đối với tác phẩm: Giải thưởng được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các thể loại báo chí với số lượng và giá trị giải thưởng như sau: 1 Giải Đặc biệt: 95 triệu đồng; 6 Giải A, mỗi giải 45 triệu đồng; 12 Giải B, mỗi giải 30 triệu đồng; 16 Giải C, mỗi giải 20 triệu đồng; 30 Giải Khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.Đối với tập thể, Ban tổ chức sẽ trao Giải “Xuất sắc” cho 5 cơ quan báo chí tiêu biểu, mỗi giải 10 triệu đồng.
Ý kiến ()