Góp phần đổi mới giáo dục
Góc trưng bày đồ dùng dạy học tự làm của ngành GD&ĐT huyện Lộc Bình |
NGHIÊN CỨU GẮN VỚI THỰC TIỄN GIẢNG DẠY VÀ QUẢN LÝ
Đề tài “Vận dụng kỹ thuật dạy học tích cực trong đào tạo giáo viên ở trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn” của cô giáo Nguyễn Thị Phương Loan, giáo viên Trường CĐSP Lạng Sơn đã đóng góp một phần không nhỏ trong đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực ở ngay trong nhà trường sư phạm. Tính cấp thiết của đề tài là coi học sinh, sinh viên là chủ thể của quá trình học tập; khơi dậy tính tích cực của học sinh, sinh viên, biến quá trình học tập thành quá trình tự nghiên cứu với sự dẫn dắt của giáo viên. Phương pháp dạy học tích cực không chỉ giúp học sinh, sinh viên hiểu kiến thức, mà còn giúp họ về phương pháp để vận dụng vào thực tiễn giảng dạy học sinh phổ thông. Khác với đề tài về đào tạo đội ngũ, đề tài của cô giáo Nguyễn Huyền Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 thị trấn Hữu Lũng lại nghiên cứu về vấn đề thiết thực hơn, cụ thể hơn trong nhà trường. Đó là đề tài “Biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng học buổi 2 ở Trường Tiểu học 2 thị trấn Hữu Lũng”. Đề tài đã đề cập đến những hoạt động cụ thể của học sinh tại buổi học thứ 2 trong ngày, vai trò hướng dẫn của giáo viên trong buổi học này; các biện pháp chỉ đạo cụ thể của ban giám hiệu như xếp thời khóa biểu, thời gian, nội dung… để các lớp thực hiện. Đây là đề tài mang tính thực tiễn, nó đã khắc phục được tình trạng thiếu tính kế hoạch trong các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày.
Năm 2014, tổng số đề tài, sáng kiến nộp Hội đồng Khoa học cấp ngành là 989 đề tài, trong đó, khối các trung tâm giáo dục thường xuyên có 69 đề tài, khối giáo dục chuyên nghiệp có 41 đề tài, khối THPT có 496 đề tài, khối phòng GD&ĐT có 285 đề tài và khối các trường THCS dân tộc Nội trú có 98 đề tài. Qua lựa chọn, ngành GD&ĐT đã tổ chức nghiệm thu 205 sản phẩm NCKH cấp cơ sở của các cán bộ giáo viên toàn ngành. Trong đó có 25 đề tài về quản lý, 44 đề tài về bài giảng, 94 đề tài, sáng kiến về các lĩnh vực chuyên ngành… Kết quả, có 120 đề tài được xếp loại tốt. Đề tài khoa học cấp tỉnh “Một số giải pháp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn” của thầy giáo Nguyễn Thế Dương, Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Lạng Sơn được hội đồng NCKH cấp tỉnh nhiệm thu đạt loại xuất sắc. Trong 15 đề tài NCKH, sáng kiến được ngành GD&ĐT lựa chọn, phổ biến rộng rãi trong toàn ngành, có 3 đề tài về công tác quản lý và 12 đề tài về cải tiến phương pháp giảng dạy ở các bộ môn như Toán, Ngữ văn, Công nghệ, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc…
KHÔNG CHỈ DỪNG LẠI Ở ĐỀ TÀI NCKH
Do có kế hoạch cụ thể từ Bộ GD&ĐT đến sự hướng dẫn của Sở nên công tác NCKH được các nhà trường xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm và coi đó là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị. Mặt khác, đề tài NCKH là một trong những tiêu chuẩn cần thiết để các cá nhân đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và là kết quả của công tác tự học, tự bồi dưỡng theo tính chất chuyên sâu nên được đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiệt tình đăng ký tham gia và đầu tư thỏa đáng công sức và trí tuệ. Tuy nhiên, so với số lượng gần 21 ngàn cán bộ giáo viên, nhân viên, thì số người tham gia mới đạt khoảng 5%. Bù lại, trong năm 2014, toàn ngành đã có 2.559 giờ dạy theo hướng nghiên cứu bài học. Những giờ này được coi là những giờ “thực hành” của một nghiên cứu nhỏ và cụ thể của từng môn học. Thầy giáo Vũ Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Tú Đoạn, huyện Lộc Bình cho biết: là trường có nhiều giáo viên trẻ, công tác đổi mới giáo dục đã thúc giục đội ngũ cán bộ, giáo viên tìm tòi, sáng tạo trong công tác giảng dạy để làm sao phù hợp với đối tượng học sinh và đạt được hiệu quả cao nhất. Vì vậy, năm 2014, toàn trường đã có 15 giờ dạy theo nghiên cứu bài học ở hầu hết các bộ môn. Qua đó đội ngũ cũng rút ra nhiều điều trong đổi mới phương pháp và huy động tính tích cực của học sinh.
Công tác nghiên cứu khoa học là kết quả của cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, là sự biểu hiện của sự tâm huyết nghề nghiệp của đội ngũ. Cán bộ giáo viên NCKH cũng có tác dụng thúc đẩy sự say mê NCKH trong học sinh, sinh viên. Tuy vậy, theo đánh giá của ngành, một số giáo viên vẫn còn nghiên cứu theo tính chất “đối phó”, biểu hiện cụ thể là còn 8 đề tài xếp loại yếu, trong đó có 5 đề tài sao chép trên mạng. Số lượng đề tài xếp loại trung bình còn cao (160/989 đề tài). Một số đề tài về lĩnh vực quản lý GD chọn tên đề tài rộng nhưng phạm vi nghiên cứu hẹp, khả năng ứng dụng không cao. Một số đề tài thuộc lĩnh vực chuyên môn còn mang tính lý thuyết, thiếu tính thực tế… Nguyên nhân thì có nhiều, song biểu hiện ở hai yếu tố: cán bộ, giáo viên chưa nắm chắc trình tự, thủ tục và những vấn đề cần thiết của một đề tài NCKH; mặt khác, do giáo viên thiếu quỹ thời gian để nghiên cứu một cách thấu đáo vấn đề, coi đó là nhiệm vụ bắt buộc để đáp ứng quy định đăng ký chiến sĩ thi đua các cấp, nên chưa đầu tư thỏa đáng thời gian và công sức. Phải chăng đấy cũng là lỗ hổng trong NCKH.
Ý kiến ()