Nhân kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, chiều 29-8, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư cùng Đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo T.Ư và Hội đồng Lý luận T.Ư đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm và làm việc tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tô Huy Rứa đã thay mặt ngành tuyên giáo cả nước và Hội đồng Lý luận T.Ư, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người Thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực và người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: Qua thực tiễn kiểm nghiệm, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị ngày càng to lớn, ý nghĩa lý luận sâu sắc, không chỉ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam mà cả với thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam và dẫn dắt dân tộc ta tiến đến tương lai tươi sáng.
Đồng chí Tô Huy Rứa và lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cắt băng khai trương Di tích “Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị và tiếp khách” tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch cũng là những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Tại đây, Người chủ trì nhiều cuộc họp quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Đặc biệt chính tại căn phòng này, ngày 28-12-1967 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, chính thức thông qua kế hoạch cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Tại căn phòng chưa tới 50 m2 với hai bộ bàn ghế gỗ đơn sơ và mộc mạc này cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Những buổi đón tiếp khách tại đây được diễn ra trong không khí thân tình và ấm cúng, thể hiện sự gần gũi của Người với nhân dân và bạn bè quốc tế. Phòng trưng bày còn có nhiều bức ảnh tư liệu quý về hoạt động đối nội và đối ngoại của Người.
Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Kim Hồng, thay mặt lãnh đạo Khu Di tích đã báo cáo với đồng chí Tô Huy Rứa cùng đoàn tình hình triển khai và kết quả triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tập thể cán bộ, công nhân, viên chức Khu Di tích. Báo cáo nêu rõ: Ba năm qua, Khu Di tích đã tổ chức đón tiếp hơn sáu triệu lượt khách tham quan, trong đó giới thiệu phục vụ gần 1.300 đoàn khách là các tổ chức, cơ quan, đơn vị đến tham quan học tập và sinh hoạt chính trị, đáp ứng yêu cầu, nội dung triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Tô Huy Rứa thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao, biểu dương những thành tựu Khu Di tích đạt được 41 năm qua, đặc biệt là việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần vào thực hiện thắng lợi Chỉ thị 06-CT-T.Ư của Bộ Chính trị.
Đồng chí nhấn mạnh: Cán bộ, công nhân, viên chức Khu Di tích có niềm hạnh phúc và tự hào được sống và tiếp xúc hằng ngày nơi in đậm dấu ấn, hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đối với mỗi người, đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm cao cả, nặng nề, đòi hỏi tập thể cán bộ, công nhân viên Khu Di tích phát huy thành tích đã đạt được; tiếp tục góp phần nghiên cứu ngày càng đầy đủ hơn về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong nước, kiều bào và bạn bè quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh một cách toàn diện và trọn vẹn.
* Ngày 29-8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận T.Ư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2006-2010, tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước Đề tài khoa học “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”, do TS Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện trên cơ sở lý luận chính trị, từ thực tiễn giai cấp công nhân Việt Nam hoạt động công đoàn trong gần 25 năm đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Từ góc độ nghiên cứu giai cấp công nhân với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu; lực lượng lãnh đạo xã hội, thông qua đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam… đề tài đã làm rõ những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu xây dựng giai cấp công nhân, nêu thực trạng, dự báo xu hướng biến đổi; luận giải về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; qua đó bổ sung vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XI của Đảng…
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá Đề tài đạt loại khá.
* Sáng 29-8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức mít-tinh kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, 80 năm Xô-viết Nghệ Tĩnh (12-9-1930 – 12-9-2010) và 50 năm kết nghĩa Hà Tĩnh – Bình Định (1960-2010). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH; Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, Tư lệnh Quân khu 4, đại diện lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh qua các thời kỳ; đại biểu cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; đại diện Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT; đại diện làng, xã tiêu biểu trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh và các huyện, thị, thành phố, các sở, ban, ngành.
Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình đã ôn lại những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của quê hương trong 65 năm qua và khẳng định: Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Nhiều cao trào cách mạng được phát động, trong đó cao trào 1930-1931 với đỉnh cao Xô-viết Nghệ Tĩnh là thiên anh hùng ca bất diện đầu tiên trong trang sử vàng của Đảng. 80 năm kể từ ngày tiếng trống Xô-viết rền vang và 65 năm Ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, dân tộc ta đã trải qua một chặng đường dài đầy gian nan thử thách nhưng vô cùng oanh liệt, tự hào. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình kêu gọi toàn thể đồng chí, đồng bào và chiến sĩ Hà Tĩnh đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, rèn luyện bản lĩnh cách mạng tiến công, phát huy tài năng và trí tuệ, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách, vững bước tiến lên, thi đua lập nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, học tập và công tác, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh ngày càng giàu mạnh, văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Tại buổi lễ, lãnh đạo hai tỉnh Hà Tĩnh – Bình Định đã ôn lại lịch sử gắn bó giữa hai tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bày tỏ lòng biết ơn Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã luôn chí nghĩa chí tình, kề vai sát cánh, chia sẻ khó khăn, chung sức đồng lòng với nhân dân Bình Định trong chiến đấu và trong xây dựng quê hương, bày tỏ mong muốn tình đoàn kết, hợp tác giữa Hà Tĩnh – Bình Định ngày càng được vun đắp và phát triển.
Ý kiến ()