Góp phần đảm bảo ANTT cơ sở
Thành phố Lạng Sơn là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế xã hội của tỉnh. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và người dân luôn coi việc đảm bảo ANTT trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Thực hiện NQLT 01, lực lượng công an phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện công tác đảm bảo ANTT, đồng thời tích cực phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trên địa bàn. CCB thành phố tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động hội viên, người dân chấp hành pháp luật, phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, công an và Hội CCB thành phố còn cụ thể hóa chương trình hành động phù hợp với đặc thù ngành như Công an tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” mỗi tháng 1 lần; phong trào Vì an ninh Tổ quốc ở các địa bàn phức tạp về ANTT; Hội CCB xây dựng mô hình 1 3 (một gia đình hội viên CCB sẽ vận động 3 hộ gia đình liền kề tham gia phòng, chống tội phạm), xây dựng quỹ hội giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn…
Công an phường Chi Lăng đến tận nhà dân tuyên truyền vận động ký cam kết phòng chống pháo |
Từ năm 1999 đến nay, lực lượng công an và Hội CCB thành phố đã phối hợp tuyên truyền lồng ghép được trên 1.000 buổi cho 72.000 lượt người dân, học sinh, thanh thiếu niên các nội dung phòng, chống tội phạm; có 4.600 lượt hội viên tham gia diễu hành về các nội dung phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Trên 3.000 lượt hội viên CCB tham gia tuần tra, bảo vệ ANTT trong các dịp tết, lễ hội và các sự kiện lớn của đất nước. Công an và CCB thành phố cũng đã phối hợp hòa giải được 570 vụ xích mích, mâu thuẫn tại cộng đồng dân cư, đặc biệt tại khu vực kè sông Kỳ Cùng, phường Chi Lăng; bồi thường giải phóng mặt bằng tại khối 2, phường Vĩnh Trại và các khu đô thị mới… giúp giải quyết bức xúc của người dân. Đồng thời còn phối hợp tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục được 31 trẻ em hư, trẻ chậm tiến. Lực lượng công an trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ cho hội viên CCB lập hồ sơ, quản lý, giáo dục, cảm hóa gần 1.200 người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, qua đó đã có gần 400 người tiến bộ, tái hòa nhập cộng đồng. 100% gia đình hội viên CCB, công an ký cam kết thực hiện “3 không”: không tội phạm, không ma túy, không vi phạm trật tự an toàn giao thông. Qua 15 năm phối hợp giữa công an và CCB đã xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu như: Chi hội khối 10, phường Tam Thanh; Hội CCB phường Chi Lăng, Vĩnh Trại; cá nhân ông Đinh Quang Tiến, phường Vĩnh Trại; ông Vi Văn Nhật, phường Đông Kinh; ông Trần Văn Độn, xã Hoàng Đồng…
Ông Nguyễn Nhật Chiến, Chủ tịch Hội CCB thành phố cho biết: trước kia khi chưa ký NQLT 01, ngoài việc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các cấp Hội CCB thành phố cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền tại một số cụm, điểm của hội, chi hội và địa bàn dân cư. Do đó, số lượng hội viên và người dân tham gia còn hạn chế. Từ khi có NQLT 01 thì 100% cán bộ, hội viên CCB và cán bộ chiến sĩ công an thành phố được học tập, quán triệt các nội dung về công tác phòng, chống tội phạm, nâng cao ý thức của hội viên, người dân trong công tác này. Đáng chú ý là thông qua công tác phối hợp, nhiều hội viên, gia đình CCB đã tích cực bảo ban con cháu, người thân phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, không để phát sinh thêm con của CCB nghiện ma túy. Trung tá Hoàng Đức Tú, Phó Trưởng Công an thành phố Lạng Sơn cho biết thêm: mọi hoạt động phối hợp đều được hai bên bàn bạc, thống nhất cụ thể. Đồng thời thường xuyên duy trì chế độ giao ban hằng tháng, thông tin hai chiều kịp thời và bàn các biện pháp tổ chức thực hiện. Hội CCB thành phố trở thành cánh tay nối dài để lực lượng công an thành phố triển khai các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, nghiệp vụ xã hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có thể nói chính sự gắn kết, quan tâm của các ngành với lực lượng công an, trong đó có vai trò của Hội CCB thành phố đã phát huy và nhân lên sức mạnh của cộng đồng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở thành phố Lạng Sơn. Hiệu quả của phong trào giúp tình hình ANTT trên địa bàn luôn ổn định, tội phạm và các tệ nạn xã hội từng bước được kiềm chế, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, thực tế việc tổ chức thực hiện công tác phối hợp đôi lúc còn chưa chặt chẽ, việc xây dựng các mô hình phối hợp chưa được liên tục; việc quản lý, tạo việc làm cho các đối tượng đặc xá, tù tha chưa được thường xuyên, trong khi đó, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt và có diễn biến phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi các lực lượng chức năng, trong đó công an và CCB tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp để thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp phòng, chống tội phạm.
Ý kiến ()