“Nhất nước, nhì phân”
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân năm nay, cả nước gieo cấy hơn ba triệu ha lúa, tăng 9,8 nghìn ha so năm 2010. Năng suất lúa đạt 62,9 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 19,47 triệu tấn, tăng 26 vạn tấn so cùng kỳ năm 2010. Đây được coi là một thành công lớn về sản xuất nông nghiệp, mặc dù tình hình thời tiết không thuận lợi, rét đậm, rét hại kéo dài, gây mạ chết, nguồn nước thiếu hụt kéo dài, bão xảy ra khi miền bắc đang thu hoạch lúa… Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, sự nỗ lực của bà con nông dân, có được vụ lúa thắng lợi nói trên phải kể đến sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón.
Bắt đầu câu chuyện từ kinh nghiệm của anh nông dân 34 tuổi Đỗ Minh Năng, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Nhà anh lúc đầu có 6 sào ruộng, sau nhận thêm tổng cộng thành 1,8 mẫu. Với năng suất bình quân 6 tấn/mẫu, gia đình anh có thu hoạch mỗi vụ 10 tấn thóc, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, ao cá giống. Anh Năng cho biết, ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, sự cần cù của nhà nông, một yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi vụ chiêm chính là phân bón. Vấn đề quan trọng là sử dụng phân bón sao cho hợp lý, phân nào cho lúa, cho hoa màu, bón khi nào, theo thời tiết nông vụ và bón bao nhiêu theo thời kỳ sinh trưởng của cây trồng… Không riêng gia đình anh Năng, tại HTX nông nghiệp Xuân Bắc hiện cũng có rất nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi khác.
Tại thôn Ngọc Động, xã Vân Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, ông Lê Văn Tín, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp cho biết: Từ năm 2006 trở lại đây, lúa của bà con trong xã cho năng suất khoảng 2,8 tạ/sào, có nơi hơn 3 tạ/sào. Để có một vụ lúa tốt phải kể đến nhiều yếu tố như: nước, thời tiết, giống, cách chăm bón… Trong đó, phân bón là một trong những khâu quan trọng. Những năm gần đây, theo nguyện vọng của bà con nông dân, HTX chỉ nhập phân đạm có chất lượng cao, đã được kiểm nghiệm qua thực tế về để bón cho lúa. Còn chị Nguyễn Thị Ninh, thôn Hoành, xã Đồng Tâm cho biết: “Trên thị trường có nhiều chủng loại phân bón, nên bà con tha hồ lựa chọn để phù hợp từng lọai cây trồng”.
Tại đại lý phân bón Đang Chấn – đại lý lớn nhất của huyện Ứng Hòa, anh Đang, chủ đại lý cho biết: “Chúng tôi cung cấp các loại phân bón trong suốt 17 năm nay cho bà con trong toàn huyện gồm 105 thôn, 28 xã. Nhưng mấy năm gần đây, hầu hết bà con đều chuyển sang dùng phân bón của DPM. Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, đại lý của tôi đã bán được hơn 3.000 tấn phân bón của DPM”. Theo đánh giá của nông dân, DPM đang là loại phân bón tốt nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay. Vừa qua, tại tỉnh Hưng Yên, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cũng đã phối hợp Trung tâm chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật – Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh tổng kết mô hình sử dụng DPM trên cây lúa lai giống PHB 71 tại huyện Khoái Châu. Kết quả cho thấy, ruộng sử dụng DPM trên giống lúa lai PHB 71 cây lúa cứng, không đổ ngã, giảm được sâu bệnh, năng suất khoảng 3,2-3,3 tạ/sào, cao hơn so với ruộng đối chứng không sử dụng phân đạm
Phú Mỹ cùng giống PHB 71 khoảng 50 kg/sào. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các HTX đang mở rộng mô hình ứng dụng DPM trên toàn tỉnh.
PVFCCo đang trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong việc cung cấp phân bón cho ngành nông nghiệp và tham gia tích cực vào công tác bình ổn giá. Với sản lượng hơn 800 nghìn tấn u-rê/năm, PVFCCo đã đáp ứng gần 40% nhu cầu phân đạm trong nước, góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu gần 300 triệu USD mỗi năm. Kể từ khi PVFCCo tham gia thị trường, thị trường phân bón trong nước đã dần được bình ổn.
Tăng cường quản lý chất lượng
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phân bón của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nông nghiệp. Trong đó, có nhiều loại phân bón được nhà nông ưa dùng do có giá trị hàm lượng kích thích sự tăng trưởng của cây trồng, như phân bón lá, phân có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng, phân đơn dùng bón gốc, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ, phân trung, vi lượng, phân vi sinh,… Để người nông dân chủ động và có kinh nghiệm trong sử dụng phân bón, các nhà khoa học khuyến cáo sử dụng phân hợp lý, đúng cách, đúng mùa vụ và từng loại cây trồng.
Để tăng cường quản lý chất lượng phân bón, hạn chế tối đa nhập khẩu, kiên quyết xử lý việc kinh doanh các loại phân bón kém chất lượng, phân giả, nhái gây thiệt hại cho nông dân và cho sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Chính phủ về hiện trạng sản xuất, kinh doanh phân bón và đề xuất các biện pháp tăng cường công tác quản lý phân bón. Chính phủ cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố về các giải pháp tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Theo TS Mai Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ An Giang, hiện thị trường phân bón Việt Nam chưa có chiến lược phát triển dài hạn, các văn bản quản lý điều hành còn mang tính sự vụ, chưa có luật phân bón và chiến lược dài hạn để tạo hành lang pháp lý và điều hành vĩ mô để phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.
Mới đây, Cục Trồng trọt cũng đã đề nghị phân nhóm sản phẩm phân bón để quản lý. Danh mục phân bón sẽ được chia theo nhóm, giảm được rất nhiều loại và thời gian khảo nghiệm. Hiện nay, Bộ Công thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Phân bón Việt Nam xây dựng quy hoạch sản xuất phân bón các loại đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các quy hoạch phát triển phân hữu cơ và hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức hệ thống và quy chế quản lý đại lý bán lẻ phân bón, nhằm quản lý tốt chất lượng và giá cả phân bón hợp lý phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Đình Hạc Thúy, thị trường phân bón có thời kỳ bị thả nổi, đến nay, với sự ra đời của nhiều nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã từng bước đi vào ổn định, thay thế dần hàng nhập khẩu, phục vụ kịp thời nhu cầu phân bón của bà con nông dân. Tuy nhiên, hằng năm nước ta vẫn còn phải nhập khẩu hơn 50% lượng phân bón, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực hơn nữa để làm chủ thị trường trong nước.
Cục trưởng Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Trí Ngọc cho biết, trước năm 2010, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 500 nghìn tấn phân bón DAP, lân, ka-li và việc nhập khẩu chỉ có khả năng chấm dứt vào năm 2020 khi các nhà máy trong nước sản xuất đủ lượng phân bón theo nhu cầu của thị trường. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp nước ta đang nghiên cứu ứng dụng các loại phân bón thay thế DAP như NPK, NEB 26… nhằm giảm sử dụng phân đạm trong sản xuất. Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ khẳng định, hằng năm Việt Nam sử dụng hơn hai triệu tấn phân u-rê, khoảng 600 nghìn tấn DAP và một lượng gần tương đương như vậy với các loại phân bón khác. Tổng lượng phân bón các loại sử dụng ở Việt Nam gần 7,7 triệu tấn. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc sử dụng phân bón chỉ được trên 40% hiệu suất.
Theo đánh giá chung, việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sản xuất phân bón đang trở thành vấn đề quan trọng, cùng với việc giảm giá thành, bình ổn và nâng cao chất lượng phân bón sẽ giúp đỡ bà con nông dân tạo ra những vụ lúa bội thu, đúng với chủ trương của Nhà nước và mong muốn của chính các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón.
Ý kiến ()