Góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân vùng cao Xín Mần
Sau 3 năm triển khai tại huyện Xín Mần, Hà Giang, dự án “Tăng cường sự tham gia phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo - PPDP” do Plan, tổ chức phát triển nhân đạo Quốc tế hỗ trợ thực hiện đã giúp người dân vùng cao chủ động tính toán kế hoạch làm ăn và tham gia vào việc xây dựng lập kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, cải thiện cuộc sống.
Sau 3 năm triển khai tại huyện Xín Mần, Hà Giang, dự án “Tăng cường sự tham gia phát triển kinh tế – xã hội giảm nghèo – PPDP” do Plan, tổ chức phát triển nhân đạo Quốc tế hỗ trợ thực hiện đã giúp người dân vùng cao chủ động tính toán kế hoạch làm ăn và tham gia vào việc xây dựng lập kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, cải thiện cuộc sống.
Nâng cao nhận thức, cải thiện cuộc sống người dân vùng cao
|
Chủ tịch xã Thèn Phàng Sùng Văn Vinh (áo trắng) hướng dẫn người |
Được sự giới thiệu của anh Nguyễn Khắc Trường, cán bộ dự án của Plan tại huyện Xín Mần, đoàn phóng viên chúng tôi mất hơn một giờ “đánh vật” với con đường ngoằn ngoèo, dốc đá lởm chởm dài hơn 4km đi từ trung tâm xã Thèn Phàng để đến với thôn Quán Thèn. Đây là một trong những xã vùng cao, có địa hình hiểm trở nhất xã Thèn Phàng nói riêng và huyện Xín Mần nói chung được hưởng lợi từ dự án “Tăng cường sự tham gia phát triển kinh tế – xã hội giảm nghèo – PPDP) do tổ chức Plan hỗ trợ thực hiện trong suốt 3 năm qua.
Đến Quán Thèn đúng dịp thôn đang tổ chức cuộc họp thường niên của các nhóm thuộc dự án Plan để bàn bạc, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của thôn, xã trong năm 2013. Ngôi nhà sàn hơn 30 mét vuông của ông Lù Chính Văn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quán Thèn dường như “quá tải” bởi sự tham gia đông đảo của bà con trong thôn cũng như đại diện của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi đến tham dự cuộc họp. Tại đây, các cán bộ thuộc Ban Dự án xã Thèn Phàng trong đó có ông Sùng Văn Vinh, Chủ tịch xã và 3 cán bộ xã đang trực tiếp hướng dẫn tư vấn cho 4 nhóm, tập trung thảo luận những vấn đề đã làm được và chưa làm được trong năm qua và đề xuất kế hoạch thực hiện trong năm nay.
Tại một góc nhà sàn, dưới sự hướng dẫn của chị Sùng Thị Coi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thèn Phàng, hơn 20 phụ nữ thôn Quán Thèn đang bàn bạc sôi nổi về việc gieo trồng giống lúa mới, cách sử dụng phân bón, cách thức chăm sóc sâu bệnh… Việc làm này đã giúp chị em chủ động hơn trong cách lựa chọn cây, con, giống phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chị Sùng Thị Coi tâm sự: “Trước đây, các chị em trong thôn chỉ biết lên đồi làm nương rẫy, trình độ nhận thức còn hạn chế, không nói được tiếng Kinh. Được sự hỗ trợ của dự án, các chị em đã tham gia các lớp tập huấn về lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Dù còn nhiều khó khăn trong giao tiếp, trình độ tiếp thu có hạn, song việc đưa chị em đến tham dự lớp tập huấn, mạnh dạn bày tỏ quan điểm đã là một thành công lớn trong việc thay đổi ý thức của chị em dân tộc vùng cao”.
Năm nay đã bước sang tuổi 74, song cụ Lù Triển Từ tham dự đầy đủ các cuộc họp nhóm lập kế hoạch của Plan. Cụ hồ hởi nói: “Gia đình tôi có 6 khẩu, trước kia cuộc sống rất khó khăn, thường xuyên bị đói nhưng nay đã khác rồi, với 7 sào lúa, 12 sào ngô và lứa lợn 4 con của gia đình ông năm nào cũng cho thu hoạch đều. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác trong thôn, đời sống cũng khấm khá lên rõ rệt. Đó là nhờ các hộ trong thôn đã được học cách tính toán, lập kế hoạch phát triển kinh tế gia đình. Người dân trong thôn rất chăm chỉ đi họp để nắm được những nội dung xây dựng kinh tế của thôn ở dự án, bàn về đề án hỗ trợ hộ nghèo, cái gì còn thiếu thì phải bàn bạc, tính toán tìm cách giải quyết hiệu quả nhất. Họp thế này giúp cho dân thay đổi cách nghĩ, áp dụng được các kỹ thuật mới vào canh tác, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình”.
|
Điểm trường thôn Vai Lũng là một trong 4 điểm trường do Plan hỗ trợ xây dựng |
Với vai trò là Trưởng ban Dự án xã Thèn Phàng, Chủ tịch xã Sùng Văn Vinh cho biết: “Thèn Phàng là một trong những xã khó khăn của huyện Xín Mần, với dân số 3992 người trong đó dân tộc Nùng chiếm đa số, 810 hộ dân và 12 đơn vị thôn, bản. Thôn Quán Thèn là thôn được hưởng lợi từ dự án PPDP của Plan. Dự án này được triển khai từ 2011 và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cái lợi nhất mà dự án đã mang lại là giúp người dân mạnh dạn bàn bạc, nêu ra ý kiến đóng góp nên giải quyết việc gì trước, việc gì sau, đề xuất với chính quyền địa phương, từ đó phát huy tính dân chủ trong nhân dân”.
Tạo môi trường học tập tốt hơn cho trẻ em vùng cao
Tạm xa thôn Quán Thèn, xã Thèn Phàng, chúng tôi đến xã Tả Nhìu. Xã Tả Nhìu nằm cách trung tâm thị trấn Cốc Pài hơn 10km, có vị trí địa lý thuận lợi hơn xã Thèn Phàng và đây cũng là một trong 9 xã của huyện Xín Mần được hưởng lợi từ dự án PPDP của Plan.
Khác với ở Thèn Phàng, các dự án của Plan triển khai tại Tả Nhìu chủ yếu tập trung vào hỗ trợ các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ người dân trồng các loại cây có ích như trồng cỏ voi tím làm thức ăn dự trữ cho gia súc vào mùa rét; trồng rừng gỗ xoan , mỡ hỗn hợp; làm chuồng trâu bò chống rét trong mùa đông, làm khu vệ sinh tự hoại cho các hộ gia đình, đảm bảo môi trường sống…
Nói về việc dự án PPDP triển khai tại địa phương, ông Lùng Văn Kim, Phó Chủ tịch xã kiêm Trưởng ban quản lý dự án xã Tả Nhìu cho biết: Xã Tả Nhìu là một trong những xã được tỉnh Hà Giang chọn làm xã điểm thực hiện chương trình Nông thôn mới nên việc triển khai dự án do Plan hỗ trợ xây dựng trường học kiên cố và hệ thống cung cấp nước sạch cho các trường học và hộ gia đình trong xã diễn ra rất thuận lợi, được sự quan tâm và ủng hộ của chính quyền cũng như đông đảo người dân địa phương.
|
Ông Hà Văn Nhạc, Trưởng ban Tài chính huyện ủy Xín Mần (bên phải) trao đổi |
Cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Nhìu, một trong những đơn vị được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ của Plan trong hơn 3 năm qua cho biết: Trường Mầm non xã Tả Nhìu được thành lập tháng 4/2004, chỉ có một nhà lớp học 3 gian cấp 4 tại trung tâm xã, số các cháu đến lớp rất ít vì phần lớn theo bố mẹ đi làm nương rẫy. Cũng như các xã vùng cao thuộc huyện Xín Mần, việc vận động trẻ em dưới 3 tuổi ra lớp là một việc làm vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Plan, đến nay trường đã xây dựng thêm 4 điểm trường kiên cố tại các thôn Na Lan, Na Ri, Vai Lũng, Thẩm Giá, nâng tổng số lớp học lên 18 lớp với 279 học sinh và 35 cán bộ giáo viên. Ngoài ra,, Plan cũng đầu tư trang thiết bị dạy và học đầy đủ, giáo viên được hỗ trợ kỹ năng để hấp dẫn trẻ đến lớp, hỗ trợ kinh phí bếp ăn cho các cháu… Vì vậy, tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi đến lớp đã đạt tới 35% và số trẻ từ 3 – 5 tuổi đạt 100%. Ngày 19/1/2013, với những thành tích đã đạt được, Trường Mầm non Tả Nhìu đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I. Theo cô Nhung, kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của Plan, người bạn đồng hành với trẻ em vùng cao.
Anh Nguyễn Khắc Trường, cán bộ dự án của Plan cho biết, trẻ em vùng cao là đối tượng mà các dự án của Plan đặc biệt quan tâm và hướng tới. Trong khuôn khổ dự án PPDP triển khai tại Xín Mần, Plan đã tích cực phối hợp với chính quyền các cấp địa phương, các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn Xín Mần triển khai các cuộc thi vẽ tranh, biểu diễn văn nghệ, tổ chức các chương trình truyền thông nhân dịp Tết thiếu nhi 1/6 và Rằm Trung Thu…
Người bạn đồng hành tin cậy của người dân Xín Mần
Dự án “Tăng cường sự tham gia phát triển kinh tế – xã hội giảm nghèo” do tổ chức Plan tài trợ triển khai từ năm 2011 – 2015 tại 9 huyện thuộc 6 tỉnh gồm Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Quảng Trị và Quảng Ngãi.
|
Anh Nguyễn Khắc Trường, cán bộ dự án của |
Riêng trên địa bàn huyện Xín Mần, với hơn 4,5 tỷ đồng dựa vào nguồn vốn của Ủy ban châu Âu (EC), dự án PPDP được triển khai thực hiện tại 9 xã Nàn Ma, Nấm Dẩn, Tả Nhìu, Bản Díu, Cốc Rế, Ngán Chiên, Thu Tà và Thèn Phàng. Thời gian thực hiện dự án từ 1/1/2011 – 30/12/2013. Mục tiêu của dự án là giúp cán bộ cấp xã, cấp thôn bản và người dân vùng sâu vùng xa biết cách lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho địa phương; khuyến khích người dân chủ động, tích cực tham gia vào việc xây dựng kinh tế xã hội. Qua đó, thúc đẩy xoá đói giảm nghèo ở địa phương.
Với tư cách là Trưởng nhóm Tư vấn kỹ thuật và là thành viên Ban điều hành dự án huyện, ông Hà Văn Nhạc, Trưởng ban Tài chính huyện ủy Xín Mần cho biết: Đánh giá về hiệu quả của dự án PPDP triển khai tại Xín Mần, ông Hà Văn Nhạc, Trưởng ban Tài chính Huyện ủy cho biết: lập kế hoạch phát triển là một việc làm hết sức cần thiết đối với các cấp chính quyền. Trước kia, việc làm này chỉ mang tính chất pháp lệnh từ trên xuống nên còn nhiều hạn chế. Từ đầu năm 2011, khi Plan triển khai dự án PPDP tại Xín Mần, cán bộ tại các thôn thuộc 9 xã vùng dự án đã được tham gia các lớp tập huấn, từ đó nâng cao nhận thức vai trò quan trọng của việc lập kế hoạch; có thể tổng hợp số liệu, xây dựng kế hoạch của thôn, xã phù hợp với mục tiêu của công tác cải cách hành chính hiện nay.
Theo ông Nguyễn Quốc Tiến, Giám đốc điều hành dự án PPDP của Plan, huy động người dân được tham gia lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương là một việc làm cần thiết để phát huy được pháp lệnh dân chủ cơ sở được tốt hơn. Sau 3 năm triển khai, hiện tại, dự án PPDP đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả tại các huyện của Hà Giang trong đó có Xín Mần. Cái được mà dự án mang lại chính là việc mang lại “cần câu, chứ không chỉ là con cá” cho bà con. Qua đó, giúp người dân vùng sâu, vùng xa ở Hà Giang nắm bắt được một tư duy mới trong việc lập kế hoạch, áp dụng những mô hình kinh tế mới và xây dựng bộ mặt nông thôn mới ở địa phương. Tuy nhiên, theo ông Tiến, bên cạnh những thành công, dự án vẫn còn một số hạn chế như nhiều ngành của các xã chưa ghi chép số liệu đầy đủ, khiến việc thu thập số liệu bị thiếu, độ tin cậy chưa cao; các ban ngành huyện cung cấp thông tin định hướng và các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 cho các xã chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho các xã trong công tác lập kế hoạch; một số chỉ tiêu huyện giao không khả thi với tình hình thực tế tại địa phương…
Qua các cuộc làm việc trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các các cấp chính quyền từ cấp thôn đến cấp huyện đều cho rằng, mặc dù dự án PPDP chỉ thực hiện tại địa phương 3 năm, thời gian tuy không nhiều nhưng mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với đời sông của nhân dân địa phương. Tháng 12/2013, dự án sẽ chính thức khép lại tại Xín Mần nhưng bằng những kinh nghiệm đã tích lũy được, lãnh đạo các cấp của huyện sẽ tiếp tục áp dụng việc lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho những năm tiếp theo và mở rộng ra nhiều xã khác, góp phần cải thiện đời sống nhân dân huyện vùng cao Xín Mần nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung.
Theo Dangcongsan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()