LSO-Nằm gọn ghẽ ngay lối vào danh thắng Nhị-Tam Thanh, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Lạng Sơn là những gian hàng xinh xắn trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa xứ Lạng. Từ những cuốn sách, tập tranh ảnh, cho đến bầu rượu đặc sản truyền thống được trưng bày ở gian hàng này, Trung tâm Khai thác dịch vụ di sản văn hóa (KTDVDSVH) đã và đang góp phần vào việc quảng bá di sản văn hóa và hình ảnh của xứ Lạng đến với du khách thập phương.
|
Sản phẩm rượu Xứ Lạng của Trung tâm KTDVDS VH – một trong những sản phẩm đặc trưng của Lạng Sơn được giới thiệu tại di tích |
Trung tâm Khai thác dịch vụ di sản văn hóa được thành lập từ năm 2002 thuộc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Lạng Sơn và nay là đơn vị trực thuộc Ban Quản lý di tích tỉnh. Với nhiệm vụ khai thác các dịch vụ di sản nhằm giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa địa phương, những năm qua, bên cạnh việc tiếp đón, phục vụ hàng trăm ngàn lượt du khách tham quan danh thắng Nhị-Tam Thanh, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các đơn vị xuất bản trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm về các di tích, danh thắng, về lịch sử, văn hóa, tiềm năng du lịch xứ Lạng. Trong đó, nhiều ấn phẩm như sách “Lạng Sơn xưa và nay”, “Chào mừng quý khách đến Lạng Sơn”; “Danh thắng Lạng Sơn”; tập ảnh về phong cảnh động Nhị-Tam Thanh; đĩa hát then-đàn tính; tranh sơn mài Nàng Tô Thị… được đông đảo du khách quan tâm, tìm hiểu và sưu tầm. Từ những ấn phẩm này, hình ảnh về một xứ Lạng nên thơ, với bề dày lịch sử, văn hóa đã trở nên gần gũi với du khách gần xa.
Một trong những hoạt động của Trung tâm góp phần đáng kể vào công tác bảo tồn di sản văn hóa và quảng bá du lịch Lạng Sơn phải kể đến việc khai thác đặc sản rượu Mẫu Sơn. Được chưng cất theo phương pháp thủ công truyền thống của dân tộc Dao sống tại vùng núi Mẫu Sơn với nguồn nước tinh khiết, gạo tẻ và men lá chế suất từ các loại thảo dược, sản phẩm “rượu xứ Lạng” do Trung tâm sản xuất đã góp phần làm phong phú thêm các đặc sản địa phương được giới thiệu tại di tích, danh thắng. Và cùng với các mặt hàng thổ cẩm, đồ lưu niệm, sản phẩm này tạo được ấn tượng khó quên trong lòng du khách về nét văn hóa dân tộc đặc sắc của xứ Lạng. Anh Nguyễn Huy Tuyển, một du khách đến từ quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Tham quan di tích Nhị-Tam Thanh, ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh hang động, anh không quên sưu tầm đĩa hát then và mua đặc sản rượu xứ Lạng về làm quà, với những món đồ này, anh sẽ mang theo hương vị, âm thanh của núi rừng Lạng Sơn về với đồng bào miền xuôi.
Cùng với việc duy trì hoạt động của 4 gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa tại các điểm di tích, hàng năm, Trung tâm Khai thác dịch vụ di sản văn hóa còn phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, du lịch Lạng Sơn tại các sự kiện, các hoạt động văn hóa của tỉnh, của khu vực và toàn quốc. Năm 2010 vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch đưa 3 gian hàng đi giới thiệu tại lễ hội Đông Bắc (tổ chức tại Phú Thọ), hội chợ thương mại (Ninh Bình) và Liên hoan du lịch Mẫu Sơn; đưa 1 gian hàng tham gia trưng bày nhân dịp khai trương Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Đồng Mô, Hà Nội. Qua đó, hình ảnh về mảnh đất, con người xứ Lạng cũng như những tiềm năng du lịch của địa phương đã được giới thiệu rộng rãi với bạn bè trong và ngoài nước.
|
Khách tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm VH tại danh thắng động Tam Thanh |
Với bề dày lịch sử, văn hóa cùng những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng, Lạng Sơn có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ. Trong bối cảnh hội nhập, việc bảo tồn, phát huy những di sản ấy càng có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua gần 10 năm đi vào hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực song Trung tâm Khai thác dịch vụ di sản văn hóa đã góp phần đáng kể vào việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, quảng bá tiềm năng du lịch xứ Lạng với nhân dân, du khách thập phương. Ông Nông Xuân Tiến, Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Lạng Sơn cho biết: Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về các danh lam, thắng cảnh, tiềm năng du lịch, thời gian tới, Trung tâm Khai thác dịch vụ di sản văn hóa sẽ tiếp tục khai thác, tìm kiếm nhiều mẫu mã mới cho các mặt hàng lưu niệm, đưa thêm nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương vào trưng bày, giới thiệu tại các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn cũng như tại các hoạt động, các sự kiện văn hóa, du lịch của Lạng Sơn.
Ý kiến ()