Google trình làng công cụ giám sát nạn chặt phá rừng
Ngày 20/2, "gã khổng lồ" trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin Google đã ra mắt một trang thông tin điện tử cho phép các nhà khoa học và bảo vệ môi trường sử dụng Internet để giám sát các khu rừng trên Trái Đất nhằm ngăn chặn nạn chặt phá rừng tràn lan trên thế giới.
Theo Google, trang mạng www.globalforestwatch.org là cơ sở dữ liệu hoàn thiện và nhất quán nhất tính đến thời điểm này, cung cấp hàng triệu hình ảnh về các diện tích rừng bị phá mà Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ thu thập được qua vệ tinh trong hơn 40 năm qua.
Với độ phân giải cao và thường xuyên được cập nhật, những hình ảnh này có thể được truy cập miễn phí với những thao tác rất đơn giản.
Thông qua công cụ này, các nhà khoa học còn có thể xác minh và sửa đổi (nếu cần) đường biên giới của các khu rừng được bảo vệ, qua đó giúp các thương lái thu mua dầu cọ biết được thông tin về các khu rừng cấm để tránh tiếp tay cho nạn sản xuất dầu cọ.
Số liệu thống kê của Google và Đại học Maryland (Mỹ) cho thấy trong khoảng thời gian từ 2000 – 2012, có khoảng 2,3 triệu km2 rừng trên Trái Đất đã biến mất, gần bằng diện tích của Argentina, trong khi chỉ có khoảng 0,8 triệu km2 được phủ xanh trở lại.
Indonesia là nước có tốc độ mất rừng tăng nhanh nhất, tăng hơn 50% lên tới 20.000 km2/năm vào thời điểm năm 2011.
Tuy nhiên, Brazil lại là quốc gia có diện tích rừng mất đi hàng năm lớn nhất, giảm tới 50% từ mức 40.000 km2 của năm 2002 xuống còn 20.000km2 vào năm 2010.
Công cụ Giám sát rừng toàn cầu được Google, các chuyên gia đến từ Đại học Maryland và chính phủ các nước Mỹ, Anh và Na Uy hợp tác xây dựng và ra mắt tại thủ đô Washington (Mỹ).
Người đứng đầu Cơ quan Chống phá rừng Indonesia Heru Prasetyo đã hoan nghênh cơ sở dữ liệu này, cho rằng đây là một công cụ thực sự hữu ích đối với các nhà khoa học và bảo vệ môi trường trên thế giới và của mỗi quốc gia.
Trước đó, hồi tháng 11/2013, Google cũng cho ra mắt bản đồ thế giới về diện tích rừng trên Trái Đất, tiền đề của công cụ nói trên.
Thông qua tấm bản đồ mới, mọi quốc gia sẽ có thể tiếp cận một bộ dữ liệu đồ sộ bao gồm những thông tin liên quan tới những vấn đề nghiêm trọng về môi trường như nguyên nhân gây ra thay đổi trong mật độ rừng; tình trạng của các khu rừng tự nhiên trên thế giới; những mối đe dọa đến từ việc thay đổi diện tích rừng; ảnh hưởng từ những nỗ lực ngăn chặn mất rừng…
Rừng hiện bao phủ hơn 30% diện tích Trái Đất. Nạn chặt phá rừng bữa bãi được cho là một trong những thủ phạm chính làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ việc phá rừng nhiệt đới còn lớn hơn nhiều so với lượng khí phát thải từ các loại phương tiện giao thông trên thế giới.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()