Gói kích thích kinh tế thứ ba của Mỹ - nỗi lo toàn cầu
Ngày 4-9, phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tạp chí Spiegel (Đức), bà Christine Lagarde người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi Mỹ và các nước châu Âu xem xét các giải pháp kích thích nền kinh tế. Chỉ bốn ngày sau, sáng ngày 9-9 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ B.Obama đã đọc diễn văn tại phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ thảo luận về vấn đề phục hồi kinh tế và tạo thêm việc làm.Theo bà Christine Lagarde, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm chạp, các khoản nợ công tăng cao, chỉ số tín nhiệm tín dụng của một số nước tụt hạng, hệ thống ngân hàng, nhất là các ngân hàng nắm giữ khối lượng lớn nợ công của chính phủ bị suy giảm niềm tin…Bà Christine Lagarde cũng kêu gọi các nước châu Âu điều chỉnh các chính sách khắc khổ của mình và thông qua các giải pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Người đứng đầu IMF cũng bày tỏ mong muốn Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - cần đề xuất một kế hoạch tăng...
Ngày 4-9, phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tạp chí Spiegel (Đức), bà Christine Lagarde người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi Mỹ và các nước châu Âu xem xét các giải pháp kích thích nền kinh tế. Chỉ bốn ngày sau, sáng ngày 9-9 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ B.Obama đã đọc diễn văn tại phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ thảo luận về vấn đề phục hồi kinh tế và tạo thêm việc làm.
Theo bà Christine Lagarde, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm chạp, các khoản nợ công tăng cao, chỉ số tín nhiệm tín dụng của một số nước tụt hạng, hệ thống ngân hàng, nhất là các ngân hàng nắm giữ khối lượng lớn nợ công của chính phủ bị suy giảm niềm tin…
Bà Christine Lagarde cũng kêu gọi các nước châu Âu điều chỉnh các chính sách khắc khổ của mình và thông qua các giải pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Người đứng đầu IMF cũng bày tỏ mong muốn Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – cần đề xuất một kế hoạch tăng trưởng trung hạn đáng tin cậy hơn.
Trong bài phát biểu này, ông Obama đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế Mỹ trị giá 447 tỷ USD, còn được gọi là Đạo luật việc làm. Đây là gói kích thích lớn thứ ba, có thể gọi là “QE3” được Nhà Trắng đưa ra trong gần ba năm qua.
Dự luật này chủ trương giảm thuế cho các công ty thuê mới nhân công và giảm 50% thuế tính theo bảng lương cho công nhân, người lao động và các doanh nghiệp nhỏ. Dự luật còn giúp tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ngành xây dựng, giáo viên, cựu chiến binh và những người thất nghiệp dài hạn.
Theo đó, mỗi một gia đình công nhân viên chức sẽ được giảm 1.500 USD tiền thuế trong năm 2012; ngân sách dành 65 tỷ USD chi khuyến khích các công ty nhỏ thuê thêm người lao động; 30 tỷ USD chi cho ngành giáo dục, nhằm cải thiện đời sống của giáo viên; năm tỷ USD chi cho việc hỗ trợ hoạt động của cảnh sát và lực lượng cứu hỏa; 50 tỷ USD chi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng; 49 tỷ USD chi cho bảo hiểm thất nghiệp…
Tổng thống Obama nêu rõ, gói kích thích kinh tế nói trên được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay là đẩy lùi cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành tại Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, dư luận Mỹ hiện đang hoài nghi rằng những bất đồng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ hiện nay sẽ gây khó khăn cho việc thông qua kế hoạch tạo việc làm mà ông đưa ra, nhất là trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 đang cận kề.
Tổng thống Obama đã kêu gọi Quốc hội nước này chấm dứt ngay bất đồng về chính trị và ngay lập tức thông qua gói kích thích kinh tế mới nói trên và cho rằng các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, những người đang phản đối kế hoạch của ông phải chịu trách nhiệm về một nền kinh tế Mỹ kém phát triển.
Ông Obama nói: “Vấn đề hiện nay là nước Mỹ tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng. Liệu chúng ta có thể chấm dứt bất đồng chính trị để làm việc gì đó thúc đẩy cho nền kinh tế. Chúng ta phải đặt câu hỏi, hiện chúng ta đang ở đâu, khi mà chúng ta được bầu đến đây lại quyết định không xây dựng đường cao tốc, cầu cống hay sân bay. Nước Mỹ này sẽ đến đâu nếu chúng ta chọn cách không đầu tư vào giáo dục và các trường đại học?”.
Tổng thống Obama còn khẳng định, đây là một gói kích thích kinh tế về mặt dài hạn sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho nước Mỹ. Tuy nhiên, sự lo ngại của cộng đồng quốc tế và dư luận Mỹ vẫn bao trùm.
Trước khi diễn ra bài phát biểu, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng đã chuẩn bị lập luận để phản đối kế hoạch của Tổng thống Obama. Họ nói rằng ông đã chi hơn 1.000 tỷ USD kích thích kinh tế nhưng vẫn thất bại với kế hoạch tạo việc làm, đồng thời làm gia tăng nợ nần cho ngân sách quốc gia. Ngoài ra, phe cộng hòa cũng đổ lỗi cho Tổng thống Obama chưa thông qua ba hiệp định thương mại tự do với Colombia, Hàn Quốc và Panama và cho rằng khủng hoảng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng xấu đi dưới thời Tổng thống Obama.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Daley cho biết, bài phát biểu của Tổng thống Obama sẽ bao gồm đầy đủ các vấn đề mà Đảng Cộng hòa và Dân chủ yêu cầu. Ông Daley nói rằng lý do duy nhất mà một số người không ủng hộ kế hoạch này là vì vấn đề chính trị và điều đó chính là điều không may cho người dân Mỹ.
Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa đã chỉ trích Tổng thống Obama không thảo luận với họ về gói kích thích kinh tế và tạo việc làm trước khi đọc bài diễn văn. Đồng thời cũng khẳng định bất cứ dự luật việc làm nào cũng sẽ phải đối diện với những thách thức khi được đưa ra trước Quốc hội.
Còn lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện McConnell nói rằng đã đến lúc Tổng thống phải nghĩ đến việc thể hiện những chính sách khác biệt, và nên tập trung đưa ra các chính sách mới. Một số Nghị sĩ Cộng hòa sẽ tránh tham dự bài phát biểu của Tổng thống Obama. Còn báo chí Mỹ nhận định rằng nếu các đảng viên Cộng hòa phản đối kế hoạch này của Tổng thống Mỹ, Nhà Trắng sẽ coi họ như là những kẻ phá rối kinh tế.
Còn dư luận quốc tế lo ngại về tính hiệu quả của các gói kích thích kinh tế mà Mỹ đã đưa ra. Sau hơn tám tháng thực hiện QE2 (tháng 11-2010 – 6-2011), với những hiệu quả đem lại không như ý muốn, chương trình này bị xem là “sự thất bại về mặt định nghĩa” của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Nay đứng trước tình hình tỷ lệ thất nghiệp của nước này đang ở mức trên 9%, tăng trưởng kinh tế đang trong tình trạng đình đốn, tỷ lệ nợ công tăng cao mới được giãn… Nay Tổng thống Obama lại đưa ra kế hoạch kích thích nền kinh tế và việc làm 447 tỷ USD. Nếu được thông qua thì đây có thể coi là “QE3” với hiệu quả của nó thì khó mà đoán biết sẽ như thế nào.
Nhìn lại QE2 (tháng 11-2010) với 600 tỷ USD, trong đó FED sẽ tiến hành mua các trái phiếu kho bạc dài hạn của Mỹ trong thời hạn tám tháng, chia đều cho từng tháng. Bơm thêm tiền vào nền kinh tế, đẩy lãi suất cơ bản vốn đã thấp (gần 0%) lại xuống thấp hơn, tạo cơ hội kích cầu. Bằng hình thức này, họ hy vọng khi một lượng tiền nhiều hơn được lưu thông trong nền kinh tế, người dân sẽ mạnh tay hơn trong việc chi tiêu, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hoá và giúp cho nền kinh tế từng bước phục hồi… trên thực tế đã không được như kỳ vọng.
Với gói kích thích kinh tế và tăng việc làm “QE3” lần này theo trình bày của Tổng thống Obama được phân bổ cụ thể và trực tiếp hơn, nên người ta đang kỳ vọng nó sẽ mang lại hiệu quả cấp thời và thiết thực hơn. Tuy nhiên, với 447 tỷ USD được tung ra thị trường, lạm phát của nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục dâng cao, giá trị của đồng USD tiếp tục suy giảm. Vì thế, sự lo ngại của dư luận quốc tế là có cơ sở.
Theo Nhandan
Ý kiến ()