Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Nhiều khách hàng từ chối vì sợ thanh tra
Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân được 4.300 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất tính đến cuối tháng Tám khoảng 13,5 tỷ đồng.
Ngày 26/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Theo phản ảnh từ các lãnh đạo ngân hàng, một số chi nhánh ngân hàng đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng, nhất là các doanh nghiệp lại có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cũng như phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Doanh nghiệp không mặn mà
Ông Nguyễn Hưng-Tổng giám đốc TPBank, cho biết ngân hàng đã tiếp cận gần 500 khách hàng thuộc đối tượng nhận hỗ trợ nhưng tỷ lệ khách hàng đề nghị hỗ trợ rất thấp, chỉ có 30 khách hàng. Trong số đó, tới thời điểm hiện tại, ngân hàng mới chỉ hỗ trợ được 3 khách hàng.
“Nhiều khách hàng lo lắng số tiền hỗ trợ lãi suất thì không được bao nhiêu mà đến khi thanh quyết toán, kiểm toán sau này sẽ gặp nhiều khó khăn nên không mấy mặn mà,” ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Hưng, TPBank được giao chỉ tiêu hỗ trợ 700 tỷ đồng, nhưng với tình hình hiện tại khó có thể giải ngân hết.
Cũng cùng cảnh ngộ, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB cho biết ngân hàng đã khẩn trương ban hành quy định nội bộ, tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch. Tuy nhiên, đến nay mới nhận được duy nhất 1 đề nghị từ phía khách hàng với tổng dư nợ 400 tỷ đồng, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 2,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Phạm Toàn Vượng-Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của ngân hàng đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng (31/7 là 837 triệu đồng).
Dự kiến trong tháng 9/2022, Agribank sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, Agribank cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, chiếm 96%/tổng số lượng khách hàng. Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 1/1/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nên Chi nhánh, khách hàng cũng thận trọng trong quá trình thực hiện. Nhiều khách hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu để nhận hỗ trợ lãi suất.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngân hàng cũng cho biết nhiện nhiều tiêu chí vẫn chưa rõ ràng. Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho hay theo quy định, gói hỗ trợ chỉ hướng đến các đối tượng có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, cái khó là các cơ quan bộ, ngành vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Theo ông Cường, đánh giá về khả năng phục hồi và khả năng trả nợ là khó khăn lớn đối với ngân hàng. Mỗi ngân hàng có sự khác biệt trong việc đánh giá khả năng phục hồi và khả năng trả nợ của khách hàng. Rất nhiều khách hàng vay vốn nhiều nơi, ngân hàng này hiểu khoản vay được hỗ trợ nhưng ngân hàng khác lại không.
Ông Phan Đức Tú-Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, cũng cho biết đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đa ngành, rất khó tách bạch được chi phí đặc biệt là chi phí cố định, khó xác định được vốn vay cho lĩnh vực nào. Ngân hàng cũng khó khi tính toán mức vay của doanh nghiệp trong việc phân tách các dòng tiền.
Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo TPBank cho hay hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Trong khi đó, đây lại là đối tượng đông đảo, đang cần được hỗ trợ. Do đó, lãnh đạo TPBank đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư có giải đáp, hướng dẫn cụ thể hơn.
Gỡ vướng cách nào?
Theo ông Phạm Toàn Vượng, để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, trước hết, Chính phủ và các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 01/01/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và khi thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này.
Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan truyền thông tích cực vào cuộc, thông tin đầy đủ, rõ ràng chính sách và chủ trương của Chính phủ về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, tránh hiện tượng phản ánh không đúng khi thực tế khách hàng không đúng đối tượng, đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định.
“Trước đây, khi thực hiện chính sách cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, có khách hàng kiện Agribank lên tận Chính phủ, song khi đi kiểm tra thì khách hàng này bị nợ xấu 10 năm, tức không nằm trong đối tượng được cơ cấu nợ” ông Vượng lấy ví dụ.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong luật quy định đã là hộ kinh doanh thì phải có đăng ký kinh doanh, nếu không thì sẽ không được hỗ trợ và cũng là để công bằng, minh bạch với những hộ khác.
Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng-Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại phối hợp với khách hàng rà soát khoản vay ký hợp đồng và giải ngân từ 1/1/2022 đến nay. Các ngân hàng phải đảm bảo những doanh nghiệp đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ lãi suất; chủ động xác định những khó khăn vướng mắc để giải quyết nhanh. Trường hợp khó khăn vượt thẩm quyền thì phải có đề xuất tháo gỡ chi tiết, cụ thể.
Thống đốc cũng cho biết muộn nhất là đầu tuần sau, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội những khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ này./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()