Gói cứu trợ kinh tế nghìn tỷ USD gặp khó tại Thượng viện Mỹ
Với tỷ lệ 47 phiếu thuận/47 phiếu chống, gói cứu trợ trên không thể vượt qua “ải” Thượng viện Mỹ bất chấp những nỗ lực đàm phán của các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ và Chính phủ Mỹ.
Thượng viện Mỹ ngày 22/3 (giờ địa phương) không thông qua gói cứu trợ trị giá nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trong nước khi không nhận được sự ủng hộ của các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ .
Như vậy, với tỷ lệ phiếu biểu quyết 47 phiếu thuận/47 phiếu chống, gói cứu trợ trên, dự định cung cấp hơn 1.000 tỷ USD cho các hộ gia đình Mỹ, hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa hay gặp khó khăn và các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị y tế trầm trọng, không thể vượt qua “ải” Thượng viện Mỹ bất chấp những nỗ lực đàm phán của các thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ và Chính phủ Mỹ.
Theo quy định, gói cứu trợ trên cần có ít nhất 60 phiếu thuận để được Thượng viện Mỹ thông qua.
Kết quả trên gây nhiều sức ép đối với Quốc hội Mỹ trong việc “chung sức và bật đèn xanh” cho sự can thiệp của Chính phủ Mỹ – được đánh giá là có quy mô lớn nhất trong lịch sử nước này – càng sớm càng tốt để hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Điều này cũng có thể ảnh hưởng mạnh tới các thị trường chứng khoán vốn đã “ảm đạm” vào lúc mở cửa ngày giao dịch 23/3.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell đã lên tiếng “phàn nàn” về kết quả trên và cảnh báo về hậu quả kinh tế sẽ xảy ra nếu Quốc hội Mỹ không hành động nhanh chóng.
Theo ông Mitch McConnell, Quốc hội Mỹ cần phải đưa ra tín hiệu cho thấy đã sẵn sàng hành động để hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
Trước đó, Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng gói cứu trợ trên không thể bảo vệ đầy đủ cho hàng triệu lao động Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất việc làm khi nền kinh tế trong nước có thể rơi vào tình trạng đình trệ.
Ông Schumer mong muốn các doanh nghiệp sẽ thanh toán đầy đủ 4 tháng tiền lương cho những lao động Mỹ bị thất nghiệp do các tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Ông Schumer cho rằng các thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa chưa xem xét kỹ lưỡng vấn đề tài chính để khắc phục tình trạng thiếu ngân sách cho các bệnh viện, mua sắm trang thiết bị, nhân sự y tế và các cơ sở hạ tầng y tế khác.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trước đó đã đề cập chi tiết về một kế hoạch cứu trợ quy mô lớn của giới chức tài chính Mỹ sẽ “bơm” 4.000 tỷ USD, tương đương 20% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ, vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Ông Mnuchin cho rằng kế hoạch cứu trợ này sẽ cung cấp nguồn tiền mặt đủ để các doanh nghiệp có thể chi trả cho các lao động bị nghỉ việc tạm thời trong 2 tuần và cung cấp tiền mặt trực tiếp cho người dân Mỹ với khoảng 3.000 USD cho 1 hộ gia đình gồm 4 người, đồng thời tăng cường hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho những lao động mất việc làm./.
Ý kiến ()