Góc nhìn nghị trường: Nên có thêm hình thức để đánh giá nhà giáo
Quốc hội đang xem xét dự án Luật Nhà giáo. Đây là dự án luật không chỉ tác động đến nhà giáo mà còn tác động đến từng người học và gia đình người học.
Có rất nhiều vấn đề liên quan tới nhà giáo luôn được xã hội quan tâm, đặc biệt đã được nhắc tới trong dự thảo luật, trong đó có quy định về những việc nhà giáo không được làm. Chẳng hạn, quy định nhà giáo không được phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật...
Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, nghề giáo luôn đề cao phẩm chất thanh cao, nên từ xa xưa đến nay, xã hội vẫn luôn dành sự quan tâm, kính trọng đặc biệt đối với nhà giáo. Tuy nhiên, tác động tiêu cực do sự biến động của thực tiễn cuộc sống mang lại dẫn tới quan hệ giữa nhà giáo với người học và giữa nhà giáo với gia đình người học nảy sinh nhiều vấn đề làm méo mó truyền thống tốt đẹp ấy. Một số nhà giáo không giữ được phẩm chất thanh cao, có những hành vi ứng xử và hành động thiếu chuẩn mực với người học, gia đình người học. Quy định về những việc nhà giáo không được làm trong dự thảo luật đã nhận định rất rõ những vấn đề ấy.
Thực tế không phải mọi nhà giáo có hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức nhà giáo đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Có những hành vi diễn ra trong thời gian dài, dưới những hình thức và vỏ bọc tinh vi, dẫn tới người học và gia đình người học rất khó phản ánh tới cấp có thẩm quyền. Cùng với đó, không ít người học và gia đình người học không dám phản kháng vì sợ bị người dạy trù úm, ảnh hưởng tới kết quả học tập và tương lai sau này. Những hành vi thiếu chuẩn mực nếu không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh ngành giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng.
Để giải quyết tình trạng này, có lẽ ngành giáo dục nên triển khai các giải pháp để người học và gia đình người học đánh giá nhà giáo; để nhà giáo đánh giá công khai, đồng thời bỏ phiếu kín với lãnh đạo nhà trường, cán bộ khoa, tổ bộ môn, khối học... Hoạt động này nên được tiến hành bởi cơ quan quản lý trường học để bảo đảm khách quan, công bằng, bởi đôi khi những hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo bắt nguồn từ lãnh đạo, cán bộ trong trường.
Nếu có một hệ thống đánh giá như vậy, những nhà giáo biến chất sẽ phải chùn tay trước khi định thực hiện một hành vi thiếu chuẩn mực.
Ý kiến ()