Góc nhìn nghị trường: Hồn cốt của thiết chế văn hóa
Quốc hội đang thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là về xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là các thiết chế văn hóa cơ sở.
Thiết chế văn hóa cơ sở là không gian văn hóa công cộng dành cho cộng đồng, được sử dụng cho mục tiêu giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể thao, giao lưu đoàn kết cộng đồng... Đó là hệ thống các nhà văn hóa thôn, bản; trung tâm văn hóa từ cấp tỉnh tới cấp xã; nhà thiếu nhi, cung thiếu nhi; cung lao động...
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, để tạo điều kiện, môi trường thúc đẩy giao lưu gắn kết cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngay trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đặt ra mục tiêu 100% thôn, bản có nhà văn hóa với diện tích tối thiểu 500m2, chưa kể diện tích sân chơi thể thao.
Vấn đề đặt ra là dường như chúng ta mới chỉ quan tâm tới phần "xác" của các thiết chế văn hóa này. Vì thế, rất nhiều nơi có nhà văn hóa hoành tráng nhưng cửa đóng then cài, mỗi năm chỉ phục vụ một vài hoạt động không đáng kể. Không có hoạt động thường xuyên của con người, nhà văn hóa thiếu đi sức sống, thiếu đi hồn cốt, làm cho mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không đạt được như kỳ vọng.
Tất nhiên, không phải nhà văn hóa nơi nào cũng thiếu hồn cốt như vậy. Một số nơi đã phát huy tốt thiết chế văn hóa cơ sở rất quan trọng này. Điển hình như ở tổ dân phố Chuông (phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Sau mỗi ngày lao động, học tập mệt nhọc, thanh, thiếu niên tập trung về đây giao lưu thể thao vào cuối mỗi buổi chiều; các câu lạc bộ văn hóa tề tựu luyện tập hát chèo, đánh trống dân tộc, múa hát mỗi buổi tối.
Nhờ giao lưu văn hóa thường xuyên, các câu lạc bộ văn hóa tổ dân phố Chuông trở nên nổi tiếng khắp các địa phương trong vùng, thường được mời đi giao lưu ở các địa phương bạn. Nhà văn hóa nơi đây đã thực sự là địa chỉ giao lưu, gắn kết cộng đồng và cũng là nơi bảo tồn, phát huy rất tốt các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Vì thế, cái chúng ta cần không chỉ là sự quan tâm xây dựng những công trình văn hóa hoành tráng mà còn là làm thế nào để các công trình văn hóa ấy phát huy được tác dụng. Mỗi thôn, bản, xã, huyện, tỉnh và cấp tương đương đều thuộc một vùng văn hóa nhất định, với những bản sắc văn hóa không thể trộn lẫn và đều có những loại hình văn hóa truyền thống như nghệ thuật hát chèo ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nghệ thuật ca vọng cổ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nghệ thuật cồng chiêng của khu vực Tây Nguyên...
Nếu mọi thiết chế văn hóa đều được phát huy đầy đủ, hiệu quả công năng, nhất là trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thì chắc chắn chúng ta không còn phải lo lắng về việc các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, hay việc giới trẻ ít hứng thú, ít quan tâm tới các loại hình văn hóa truyền thống...
Ý kiến ()