Góc nhìn nghị trường: Công chứng điện tử và bài toán kết nối dữ liệu
Luật Công chứng (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét có một nội dung rất đáng chú ý về công chứng điện tử.
Nhìn chung, đây là quy định tiến bộ, mang tính thời đại và mang lại nhiều ích lợi cho xã hội, nhất là cho người dân và doanh nghiệp, nên về cơ bản đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại biểu Quốc hội cũng như của cử tri, nhân dân.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ thông tin và dữ liệu lớn phát triển ngày càng mạnh mẽ, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến, thì nhu cầu áp dụng hình thức công chứng điện tử cũng là tất yếu. Nếu áp dụng hình thức này, người dân, doanh nghiệp không còn phải mất thời gian, công sức đi lại, xếp hàng ngồi chờ ở các phòng công chứng để làm thủ tục, nhận kết quả công chứng...
Tuy nhiên, để áp dụng công chứng điện tử được với mọi loại giấy tờ, giao dịch thì cần phải có nền tảng là cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ, nguồn dữ liệu lớn được tích hợp và chia sẻ ở mọi lĩnh vực, ngành nghề liên quan tới các loại giấy tờ, giao dịch cần công chứng.
Chẳng hạn, muốn công chứng văn bằng, chứng chỉ đào tạo thì cần phải có dữ liệu từ các cơ sở giáo dục, đào tạo được cập nhật liên tục và kết nối với hệ thống dữ liệu chung để các cơ sở công chứng có thể truy cập kiểm chứng. Trong nhiều loại giao dịch dân sự, kinh tế, công chứng viên cũng cần có cơ sở là nguồn dữ liệu điện tử thuộc quyền quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, như chữ ký điện tử, giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ, đăng ký kinh doanh, giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Tóm lại, để tiến hành công chứng điện tử trên diện rộng, chúng ta cần có cơ sở dữ liệu về các chủ thể tham gia (người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị...); cơ sở dữ liệu về tài liệu công chứng khổng lồ với sự kết nối của mọi chủ thể cung cấp giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị; cơ sở dữ liệu thông tin về tài sản là đối tượng giao dịch cần được công chứng.
Đồng thời, các cơ sở công chứng phải được quyền truy cập, khai thác các thông tin này để bảo đảm cho hoạt động xác minh, công chứng. Đây là điều không hề đơn giản, chắc chắn là Việt Nam chưa thể làm được, cả về yêu cầu nội dung dữ liệu cũng như yêu cầu an ninh thông tin.
Do vậy, có lẽ khả thi nhất là chúng ta nên cho phép công chứng điện tử theo lộ trình. Trước mắt, nên công nhận hình thức công chứng điện tử với những loại giao dịch, giấy tờ đơn giản, chưa cần có yêu cầu về kết nối và chia sẻ dữ liệu. Chúng ta cũng cần nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm của các nước đã phát triển hình thức công chứng điện tử để tránh những tác động không mong muốn tới xã hội...
Ý kiến ()