Góc nhìn nghị trường: Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động
Phát triển hệ thống công đoàn, bảo vệ lợi ích của công đoàn viên là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Đa số đại biểu đánh giá, việc sửa đổi Luật Công đoàn tại thời điểm này là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của công đoàn, đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Luật Công đoàn hiện hành (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013) là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn.
Do đó, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm quán triệt và thể chế hóa sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng, phát triển đất nước; Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tổ chức công đoàn. Dự án luật được xây dựng phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam.
Tập trung sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ở nước ta... là một xu hướng tất yếu, động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để tổ chức công đoàn có năng lực thích ứng, giải quyết, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho người lao động trong tình hình mới, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khẳng định: “Khi tạo được hành lang pháp lý vững chắc thì tổ chức công đoàn sẽ ngày càng lớn mạnh và thu hút được nhiều người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam hơn nữa”.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng kỳ vọng Luật Công đoàn (sửa đổi) đáp ứng được những thay đổi của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cũng như mong đợi của người lao động đối với tổ chức công đoàn. Đó là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, không đóng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động.
Ý kiến ()