Góc nhìn giáo dục: Quảng cáo nhiều, tư vấn ít!
Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học, cao đẳng đã khởi động các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Biết anh bạn chuyên làm tư vấn tuyển sinh, tôi hỏi công tác này hiện nay thế nào, có thật sự “vô tư” không? Anh bảo vài năm gần đây, công tác tư vấn “trăm hoa đua nở”. Ngành nào cũng tư vấn tốt, trường nào tư vấn cũng hay. Song, nhiều nơi hoạt động tư vấn có phần nặng về quảng cáo, chủ yếu hút thí sinh vào trường mình.
Từ nhiều năm nay, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được xem là chìa khóa giúp học sinh định hướng đúng việc chọn ngành, chọn nghề. Thời điểm này, học sinh trung học phổ thông đứng trước nhiều cơ hội, lựa chọn khác nhau cho con đường học tập và nghề nghiệp, sự nghiệp sau này. Đa phần những vấn đề mà các em gặp phải là không thấu hiểu bản thân, thiếu thông tin, thiếu định hướng và không thể tự ra quyết định. Việc hướng nghiệp cho đối tượng này không chỉ là cung cấp thông tin về ngành nghề một cách đơn thuần, mà phải giúp các em hiểu rõ bản thân, có cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động trong tương lai.
Bên cạnh những học sinh có điều kiện, được phụ huynh, người thân định hướng, tư vấn lựa chọn ngành nghề phù hợp, không ít thí sinh bị ngộp giữa những “cơn bão” thông tin. Các em rất khó để chắt lọc thông tin, gây ra những thiệt thòi trong việc chọn nghề, chọn trường. Do thời lượng các buổi tư vấn thường chỉ 1-2 giờ/buổi, nên các đơn vị gần như cắt giảm tối đa công tác tư vấn, dành phần lớn thời lượng cho giới thiệu, quảng bá ngành nghề của trường, thế mạnh mà mình đang đào tạo. Rất ít trường phân tích xu hướng phát triển ngành nghề trong tương lai, dự báo nguồn nhân lực, khả năng tương thích và phát huy tốt nhất năng lực của học sinh khi họ lựa chọn nhóm ngành nghề…
Ảnh minh họa: Báo Sức khỏe và Đời sống |
Những nội dung mang nặng tính tuyển sinh, lấn át cả tư vấn khiến học sinh dù tham gia nhiều buổi tư vấn vẫn thấy lơ mơ, thậm chí bị tác động không tốt đến việc lựa chọn ngành nghề. Thực tế nhiều em tin vào quảng cáo đã chọn ngành, trường học một cách cảm tính mà không quan tâm, tự xem xét năng lực của bản thân. Hậu quả sau khi nhập học, nhiều sinh viên mới biết mình chọn sai, rơi vào tình trạng chán nản, mất phương hướng, phải bỏ học giữa chừng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, số người thất nghiệp ở độ tuổi lao động là hơn 1,3 triệu người, tăng 126.500 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động như vậy một phần do người học chưa có định hướng nghề nghiệp, không rõ lộ trình phát triển bản thân, chạy theo những ngành nghề “hot”, dẫn đến tình trạng ra trường không biết làm gì. Thống kê từ các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, số sinh viên “rơi rụng” trong quá trình theo học 4 năm chiếm tỷ lệ 16-24%. Trong hàng loạt lý do sinh viên bị đình chỉ học tập, nguyên nhân từ việc chọn sai ngành, sai trường dẫn đến chán nản trong quá trình học là khá lớn.
Không thể phủ nhận tính hiệu quả của hoạt động tư vấn, hướng nghiệp khi công tác phân luồng học sinh đã có chuyển biến rõ nét. Cũng không thể đòi hỏi sự trọn vẹn của các trường khi tham gia tư vấn, hướng nghiệp, nhưng thiết nghĩ công tác này cần vô tư, hài hòa và cân bằng hơn. Các trường phổ thông cũng không nên phụ thuộc vào trường tuyển sinh, mà cần kết nối với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp để người học có cái nhìn toàn cảnh hơn về ngành nghề. Có lẽ, công tác này cần phải chuyên nghiệp hơn, thậm chí cần bắt đầu từ cấp trung học cơ sở để các em có thể biết nhiều, biết sâu hơn về công việc, có sự tự trải nghiệm để chủ động lựa chọn và biết cách thích ứng với biến động của thị trường lao động.
Ý kiến ()