Góc nhìn giáo dục: Liệu có cần chứng chỉ hành nghề?
Cuối tuần trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự thảo Luật Nhà giáo. Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo trong dự thảo giành được nhiều quan tâm.
Về việc đưa ra quy định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn giải đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và một số ngành, lĩnh vực nên dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.
Theo đó, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Có chứng chỉ hành nghề, vị thế nhà giáo sẽ được nâng lên... Với các cấp quản lý, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là điều cần thiết để chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới khi nó có giá trị bảo đảm đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục.
Chứng chỉ cũng giúp phân biệt những người đủ tư cách dạy học, nhất là khi nhiều người tự xưng là nhà giáo trên mạng xã hội nhưng vốn không đủ tiêu chuẩn.
Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo tính toán phương án chuyển tiếp cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực. Những nhà giáo này sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ không gây khó cho nhà giáo đang hành nghề.
Thế nhưng theo dự thảo này, các giáo viên thuộc diện tuyển mới sẽ phải trải qua một kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Liệu yêu cầu này có gây thêm khó khăn cho việc tuyển dụng giáo viên khi hiện nay toàn quốc còn thiếu hơn 118.000 giáo viên.
Mới đây, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải đưa ra giải pháp tạm thời là đề xuất cho phép những địa phương thiếu giáo viên được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng thay vì đại học như Luật Giáo dục 2019 vào chương trình xây dựng nghị quyết của Quốc hội. Liệu rằng với quy định mới trong Luật Nhà giáo, chúng ta một lần nữa có phải đưa ra quy định rồi “hạ chuẩn” nếu nhiều giáo viên dự định vào nghề không đỗ sát hạch hoặc vì phải sát hạch mà e ngại và không lựa chọn theo nghề?
Vấn đề cốt yếu, cần giải quyết trước tiên vẫn là làm sao để nhà giáo sống tốt bằng nghề, được xã hội coi trọng, tôn vinh, như vậy mới hấp dẫn người giỏi sẵn sàng bước chân vào "con đường trồng người". Quan trọng không kém, việc cấp chứng chỉ hành nghề có thực sự góp phần nâng cao chuyên môn, khắc phục những bất cập hiện nay hay không mới là điều đội ngũ giáo viên quan tâm, trong bối cảnh xã hội đang hướng tới và đẩy mạnh dạy học thực chất, bằng cấp thực chất.
Ý kiến ()