Góc nhìn giáo dục: Không chỉ là con số
Những năm gần đây, số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT ổn định quanh con số 1 triệu. Thế nhưng, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH) liên tục tăng trong khoảng 7 năm qua. Con số này đồng nghĩa với số lượng thí sinh dự thi Khoa học tự nhiên (KHTN) giảm, dẫn tới nguồn tuyển các ngành khoa học cơ bản, KHTN cũng ít đi.
Năm 2024, khoảng 37% thí sinh đăng ký thi KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và 63% chọn KHXH (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), tăng 7,7% so với năm trước. Từ năm 2017, khi bài thi KHXH và KHTN được thêm vào kỳ thi tốt nghiệp, số thí sinh chọn KHXH đã vượt KHTN (khoảng 90.000 em) và chênh lệch ngày càng lớn. Hiện nay, thí sinh chọn bài thi KHXH có xu hướng áp đảo bài thi KHTN, hơn khoảng 250.000 thí sinh.
Theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, các môn thi có nhiều thí sinh đạt điểm 10 nhất lần lượt là: Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử và Hóa học. Trong số 100 thí sinh có điểm thi cao nhất, chỉ có 2 thí sinh thi bài thi KHTN, 98 thí sinh thi bài thi KHXH. Thủ khoa tốt nghiệp cũng là các thí sinh thi KHXH. Thống kê kết quả tuyển sinh năm 2023, trong 10 lĩnh vực có tỷ lệ nhập học nhiều nhất, khối ngành KHXH-kinh tế chiếm phần lớn.
Hiện tượng này được lý giải rằng bài thi KHXH “dễ ăn điểm” hơn những bài thi đòi hỏi kiến thức chuyên sâu như KHTN. Việc chọn bài thi này không chỉ đạt mục đích tốt nghiệp mà còn giúp các em có thêm thời gian đầu tư vào các môn thi THPT bắt buộc. Những tính toán mang tính “thực tế” này không chỉ dẫn đến lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp sở thích và năng lực mà còn gây áp lực hạ chuẩn đầu vào với các khối ngành kỹ thuật (ngoại trừ các trường lớn, uy tín) để tuyển sinh đủ chỉ tiêu.
Rõ ràng xu hướng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa nguồn nhân lực các ngành nghề, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều đó dẫn tới nguy cơ phụ thuộc vào nguồn nhân lực nước ngoài cho các ngành kỹ thuật cao. Chưa kể, sự quá tải ở các ngành KHXH còn dẫn đến khó khăn trong vấn đề xin việc làm.
Để những con số không chỉ là con số, có lẽ, trước mắt cần tăng cường giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp và tiềm năng phát triển của các ngành kỹ thuật, công nghệ. Ngành giáo dục cần cải tiến chương trình học và phương pháp giảng dạy các môn KHTN để môn học trở nên hấp dẫn, dễ hiểu hơn. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ học phí, học bổng cho học sinh theo học các ngành KHTN và kỹ thuật để thu hút thêm nhiều người học vào các ngành này. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và trường học để tạo ra những chương trình đào tạo thực tiễn, thực tập và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những đề án, giải pháp mang tính vĩ mô để điều tiết người học hơn là các biện pháp “cứng”. Đồng thời, có những thống kê hằng năm về cơ hội việc làm ở từng nhóm ngành, trong đó có nhóm ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật-công nghệ để người học có căn cứ khoa học hơn trong lựa chọn.
Ý kiến ()