Góc nhìn giáo dục: Cân nhắc ứng xử khi có trẻ nhỏ
Chuyện ứng xử của người lớn trước mặt con trẻ cần khéo léo, vì người lớn là tấm gương để trẻ noi theo. Thế nhưng, cách đây ít ngày, một cuộc cãi vã đáng xấu hổ giữa hội trưởng hội phụ huynh và hiệu trưởng đã xảy ra tại Trường Mầm non số 1 thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Câu chuyện xoay quanh sự bất đồng giữa hai bên về khoản thu xã hội hóa để mua tủ đựng đồ cho học sinh. Đáng nói, trận “khẩu chiến” giữa hai người lại diễn ra đúng ngày tổng kết năm học của các cháu mầm non, trước mặt toàn thể học sinh và phụ huynh, giáo viên nhà trường.
Chưa bàn đến chuyện đúng-sai giữa các bên, nhưng để ngày vui của con trẻ bị ảnh hưởng bởi một cuộc tranh cãi ồn ào về tiền bạc thì người lớn thật đáng trách. Sau một năm học, trẻ chưa kịp nhận được những ngợi khen cho sự nỗ lực, cố gắng thì đã phải chứng kiến chuyện không hay giữa những người lớn.
Đáng trách đầu tiên là từ phía nhà trường, bởi đã không tạo diễn đàn mở để cha mẹ học sinh được thảo luận công khai, trực tiếp bàn luận về các khoản thu-chi trước khi kết thúc năm học. Phía ban phụ huynh cũng không hoàn toàn đúng khi lựa chọn thời điểm đưa vấn đề ra đúng vào ngày tổng kết năm học đang tề tựu đông đủ học sinh, dù biết rằng nói ra những băn khoăn, bức xúc khi có đông đủ các bên là cách để thông tin chi tiết và “ba mặt một lời” công khai, nhanh gọn nhất tới toàn thể phụ huynh, giáo viên.
Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi nhỏ nhất trong hệ thống giáo dục. Trẻ không thể nhận biết được nội dung những tranh luận của người lớn, nhưng lại vô cùng nhạy cảm với cách biểu đạt, thái độ, phản ứng của cha mẹ, thầy cô, những người chúng tin tưởng.
Câu chuyện của Trường Mầm non số 1 thị trấn Quy Đạt là bài học cần được người lớn rút kinh nghiệm sâu sắc về ứng xử trước mặt con trẻ. Ứng xử của người lớn trong môi trường giáo dục càng không thể tùy tiện nên trong trường, lớp, phụ huynh, giáo viên càng cần đề cao chú ý, cân nhắc và suy nghĩ thấu đáo về cử chỉ, hành động, lời nói trước trẻ nhỏ.
Ý kiến ()