Gỡ vướng trong triển khai đề án vị trí việc làm
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm, từng bước mang lại hiệu quả trong quản lý và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Song, thực tiễn triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm cho thấy, còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Từ tháng 6-2016, Bộ Nội vụ đã cơ bản phê duyệt xong khung danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của các bộ, ngành, địa phương (trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng). Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan, đơn vị được giao quyền tự chủ cũng đã chủ động xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm.
Trong quá trình triển khai, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có cách làm sáng tạo, đạt được những kết quả rõ nét. Tiêu biểu như, từ năm 2015, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai trong toàn ngành quy trình xác định biên chế theo vị trí việc làm, bảo đảm tính định lượng, thực tiễn và khoa học. Ngoài ra, đến nay, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đề án vị trí việc làm của 100% cơ quan hành chính ở thành phố và quận, huyện; 95% đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại Hà Nội, một trong những địa phương triển khai tích cực và hiệu quả, sau khi hoàn thành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và phê duyệt đề án vị trí việc làm… thành phố đã tập trung chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ. Đến cuối năm 2017, thành phố có thêm 106 đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên, tinh giản được 9.361 biên chế viên chức không hưởng lương từ ngân sách.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đề án vị trí việc làm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong những khó khăn được Bộ Tư pháp chỉ ra là, theo hướng dẫn, việc thống kê công việc phải tuân thủ nguyên tắc chỉ thống kê các công việc có tính chất thường xuyên, liên tục, ổn định, lâu dài, lặp đi lặp lại; nhưng trên thực tế, các công việc phát sinh, không thường xuyên, sự vụ chiếm không ít thời gian. Do đó, thống kê công việc như hướng dẫn không thể hiện được đầy đủ khối lượng, mức độ, tính chất phức tạp của công việc. Tương tự, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc tính toán khối lượng công việc để xác định biên chế, số người làm việc đối với một vị trí do nhiều người đảm nhận rất khó bởi chưa có hướng dẫn phương pháp, cách tính cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhận định, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ còn quy định chưa cụ thể, dẫn đến việc tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, không thống nhất, không đạt mục tiêu, làm giảm tác dụng của việc xây dựng đề án vị trí việc làm.
Trước tình hình đó, Bộ Tư pháp đề xuất, cần có hướng dẫn cụ thể việc xây dựng bản mô tả, phân tích công việc của từng vị trí việc làm để người quản lý nhìn nhận được từng vị trí việc làm cũng như xác định được tính phức tạp của từng mảng công việc để sắp xếp, bố trí, sử dụng nhân sự hợp lý. Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng, muốn đánh giá được năng lực thực tiễn của công chức phải có một hệ thống đánh giá khoa học, hợp lý. Hệ thống này không chỉ chú ý các tiêu chí đánh giá gắn liền với các vị trí công việc cụ thể mà cả việc thiết kế công cụ đo lường kết quả thực hiện các tiêu chí để bảo đảm tính chính xác của kết quả đánh giá.
Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng cũng cho biết, thành phố đang đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng quỹ tiền lương, thưởng để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm trên cơ sở yêu cầu công việc, nguồn thu ngân sách của thành phố. Trên thực tế, một vị trí việc làm cùng là chuyên viên, chuyên viên chính, nhưng trong khung năng lực, yêu cầu công việc, kết quả công việc ở Hà Nội có sự khác biệt so với nhiều địa phương khác. Số lượng công việc phải giải quyết, tính phức tạp cao hơn, đặt ra phải trả lương cao hơn, từ đó mới tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()