Gỡ vướng trong thi hành án tín dụng ngân hàng
Việc thi hành án tín dụng ngân hàng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này đòi hỏi cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách thi hành án dân sự cũng như sự chung tay từ các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Theo số liệu từ Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), từ đầu năm đến nay, kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng có chuyển biến so với cùng kỳ năm 2023 cả về vụ việc, tiền như: Tăng tỷ lệ 0,94% về vụ việc và 1,82% về số tiền. Mặc dù vậy, qua tổng hợp số liệu của 15 ngân hàng hội viên của Hiệp hội Ngân hàng cho thấy, đến nay có gần 400 vụ việc thi hành án gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An...
Nhiều vướng mắc phát sinh
Những năm qua, trước tác động tiêu cực của kinh tế trong nước và thế giới, nhiều khách hàng gặp khó khăn, số lượng án tín dụng ngân hàng, các bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng do ngân hàng khởi kiện khách hàng nợ xấu và yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự các cấp thi hành ngày càng tăng nhanh. Do giá trị các vụ việc liên quan đến ngân hàng rất lớn, cho nên vai trò của cơ quan thi hành án dân sự là vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), từ đầu năm đến nay, kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng có chuyển biến so với cùng kỳ năm 2023 cả về vụ việc, tiền như: Tăng tỷ lệ 0,94% về vụ việc và 1,82% về số tiền.
|
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Sơn, từ trước đến nay, giá trị các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa khi nào dưới 50%, có thời điểm lên đến 60% giá trị các vụ việc mà Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện. Cơ quan này xác định đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng mà Quốc hội, Bộ Tư pháp giao, bởi khi các ngân hàng thu hồi được nợ sẽ đưa nguồn tiền vào thị trường để vận hành, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên dù công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng đã có chuyển biến tích cực, nhưng việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu. "Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn mà các tổ chức tín dụng đang gặp phải là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể", Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) Nguyễn Thành Long cũng cho biết, đến nay, tuy Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đã tích cực, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng, nhưng thực tế tại các ngân hàng vẫn còn nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.
Theo nhìn nhận của Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 (Tổng cục Thi hành án dân sự) Nguyễn Thị Thu Hà, dù cơ quan thi hành án dân sự đã có sự nỗ lực, huy động mọi nguồn lực, áp dụng nhiều biện pháp để tiến hành xác minh, kê biên tài sản,... nhưng một số địa phương có số vụ việc và số tiền phải thi hành án lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An,... dẫn đến tình trạng quá tải của Chấp hành viên,... Điều này cũng tạo ra một áp lực lớn cho các cơ quan thi hành án dân sự, thời gian giải quyết xong một việc thi hành án kéo dài và chi phí lớn, tỷ lệ giải quyết các vụ việc còn thấp. Ngoài áp lực về giá trị tiền lớn, đặc điểm của tài sản trong thi hành án tín dụng phức tạp, trong khi hệ thống pháp luật liên quan đến việc xử lý tài sản về tín dụng ngân hàng nói chung còn nhiều bất cập. Các quy định pháp luật chưa đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo, chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan thi hành án tín dụng ngân hàng nói riêng và dân sự nói chung...
Hoàn thiện cơ chế chính sách
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết, cơ quan này đã đề xuất trình Chính phủ dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành các bản án nói chung cũng như các bản án về tín dụng nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cũng kỳ vọng những nội dung liên quan đến vướng mắc trong thi hành án dân sự được xem xét, giải quyết tại dự thảo sửa đổi Nghị định 62 sẽ là một hành lang pháp lý để đồng bộ hóa giữa Luật Thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật.
Đại diện một số tổ chức tín dụng cũng nêu đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự cần có ý kiến với các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ cung cấp thông tin để xác minh phục vụ kê biên tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, có thể tạo cơ chế liên thông về thông tin điện tử giữa cơ quan Thi hành án với Cục Cảnh sát giao thông, cơ quan đăng kiểm, công ty sở hữu các trạm BOT để các cơ quan này cung cấp thông tin kịp thời về thực trạng tài sản bảo đảm cho các Chi cục Thi hành án xác minh, kê biên tài sản bảo đảm được hiệu quả để xử lý nợ cho ngân hàng. Đơn cử như, Tổng cục Thi hành án dân sự có ý kiến với cơ quan quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ban, ngành liên quan để hướng dẫn thống nhất trường hợp xử lý tài sản là quyền sử dụng đất mà diện tích sau khi đo đạc thực tế có sự sai lệch (tăng thêm) so với giấy chứng nhận đã được cấp thì vẫn được kê biên, phát mãi tài sản bảo đảm để dùng số tiền thu được chuyển cho tổ chức tín dụng thu hồi nợ...
Ý kiến ()