Gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài
Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng mới đạt 26,06%. Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị để mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng này, từ đó tháo gỡ các vướng mắc và đề nghị không cho phép kéo dài kế hoạch vốn năm 2022.
Từ ngày 6-12-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2048/QĐ-TTg, trong đó có nội dung giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 nguồn vay nước ngoài. Việc giao kế hoạch vốn như vậy là sớm, để các bộ, ngành, địa phương có điều kiện triển khai ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2022, bảo đảm tiến độ và hiệu quả giải ngân.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn chi tiết, nhập dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) được 32.449,2 tỷ đồng, đạt 93,82% kế hoạch vốn được giao.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Ảnh: BẢO LINH |
Việc phân bổ chi tiết thì đạt tỷ lệ rất cao như vậy, nhưng kết quả giải ngân trên thực tế lại quá thấp. Số liệu được cung cấp bởi Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) cho thấy, đến ngày 30-11-2022, kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài năm 2022 trên cả nước đạt 34,27% kế hoạch vốn. Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm 2022 mới chỉ được 9.014,59 tỷ đồng, đạt 26,06% kế hoạch.
Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, trong tổng số 294 dự án, tiểu dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022 thì có tới 114 dự án, tiểu dự án chưa giải ngân; 47 dự án, tiểu dự án giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn; 59 dự án, tiểu dự án giải ngân từ 20% đến 50% kế hoạch vốn.
Theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 sang năm 2022, vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 được kéo dài sang năm 2022 là 5.321 tỷ đồng, trong đó của bộ, ngành là 1.666,6 tỷ đồng, của địa phương là 3.655,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài đến ngày 30-11-2022 mới chỉ đạt 23,65% (khoảng 1.233,7 tỷ đồng), trong đó chỉ có 15/39 địa phương và 4/5 bộ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, tốc độ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng năm 2022 như vậy là chậm so với kết quả giải ngân đầu tư công nguồn vốn trong nước.
Vì sao kết quả giải ngân thấp?
Trong hội nghị với các bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng năm 2022 và các giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022 do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ý kiến của các bộ, ngành cho thấy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thấp chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án. Điều đó dẫn tới không có khối lượng hoàn thành để giải ngân, hoặc đã có khối lượng nhưng chưa được kiểm soát chi hay đã kiểm soát chi nhưng chưa được tập hợp để gửi hồ sơ.
Với các dự án chưa có khối lượng hoàn thành, các ý kiến cho rằng đó là do chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư (giải phóng mặt bằng, đấu thầu…); phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay; chậm nghiệm thu, thanh toán; ảnh hưởng bởi thiên tai…
Với các dự án kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022, các ý kiến cho rằng do tới tận tháng 5-2022 mới được thông báo và giao kế hoạch vốn nên nhiều dự án không kịp giải ngân. Ngoài ra, các ý kiến cũng chỉ rõ những vướng mắc do nhà tài trợ áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ với hồ sơ mời thầu.
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ
Từ ý kiến được nêu ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành; phối hợp với Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính để giải ngân với các khối lượng đã được kiểm soát chi. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước; trao đổi với nhà tài trợ, phối hợp với các chủ dự án tháo gỡ vướng mắc, xử lý nhanh hồ sơ giải ngân.
Với những dự án có khả năng hoàn thành, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan; chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng, bố trí đủ vốn đối ứng, khẩn trương nghiệm thu khối lượng và gửi hồ sơ đến cơ quan kiểm soát chi và tập hợp để giải ngân.
Với các dự án vẫn trong giai đoạn hoàn tất thủ tục, Bộ Tài chính đề nghị chủ đầu tư báo cáo rõ với cơ quan chủ quản về khả năng thực hiện và hoàn tất thủ tục này để thực hiện dự án và giải ngân trong năm 2022. Bộ Tài chính cũng đề nghị sớm sửa đổi Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16-12-2021 về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với Luật số 03/2022/QH15 (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự). Các cơ quan tổng hợp, thẩm định, phê duyệt cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị không cho phép kéo dài kế hoạch vốn năm 2022. Trường hợp không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022, số không giải ngân sẽ bị hủy bỏ theo quy định của Luật Đầu tư công.
Ý kiến ()