Gỡ vướng cho đào tạo chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm phát hiện, tuyển chọn học sinh có năng khiếu nghệ thuật để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019, trong đó có giao Chính phủ quy định chi tiết về trình độ đào tạo, văn bằng, chứng chỉ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, cụ thể: Tại khoản 3 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật Giáo dục đại học về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học trong đó quy định: “Chính phủ quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù”.
Trong những năm qua, những chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực văn hóa đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống thông qua các chương trình đề án và đạt hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, một số nội dung chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là rất cần thiết và có cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, đổi mới đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tại khoản 5 Điều 3, khoản 1 Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014) quy định các cơ sở giáo dục đại học được phép tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo luật định. Tuy nhiên, ngày 14/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong đó, tại khoản 2, Điều 14 quy định: Cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, khi có đủ các điều kiện sau đây: Các ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành… Đồng thời, tại khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định: Trường đại học, học viện là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.
Theo các văn bản nêu trên, chỉ quy định cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, học viện) thuộc danh mục ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, không quy định cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp. Điều này, gây khó khăn, bất cập và không phù hợp đối với đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam và hội nhập quốc tế; ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, việc quy định các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cần được đưa vào Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật trên cơ sở cụ thể hóa điểm 4, khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018.
Tại khoản 2 điều 13 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 1 đến 2 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo… Theo quy định về thời gian đào tạo trình độ trung cấp nêu trên dẫn đến tình trạng bất cập, không phù hợp với thực tế đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù. Vì vậy, thời gian đào tạo trình độ trung cấp cần được quy định trong Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, trên cơ sở cụ thể hóa khoản 3 Điều 6 Luật Giáo dục năm 2019.
Để tháo gỡ những khó khăn đối với hoạt động đào tạo nghệ thuật có tính chuyên sâu đặc thù, việc có những văn bản quy định riêng đối với lĩnh vực đào tạo này là rất cần thiết và cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa Bộ quản lý ngành và quản lý theo lĩnh vực. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định đã quy định nhiệm vụ của các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động – Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo đối với các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và các trình độ của giáo dục đại học chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật theo Luật định.
Đào tạo nhiều trình độ từ trung cấp lên cao đẳng, đại học và sau đại học
Theo dự thảo Nghị định, ngành, nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là các ngành, nghề đào tạo thuộc các lĩnh vực: Âm nhạc, múa, xiếc, tạp kỹ, sân khấu, điện ảnh và mỹ thuật.
Cơ sở giáo dục đại học chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là cơ sở đào tạo các ngành, nghề nghệ thuật chuyên sâu đặc thù; đào tạo đồng thời nhiều trình độ, từ trình độ trung cấp lên cao đẳng, đại học và sau đại học; giảng viên đồng thời giảng dạy nhiều trình độ, vừa tham gia biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu phục vụ đào tạo có yêu cầu đặc thù riêng.
Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là cơ sở đào tạo các ngành, nghề nghệ thuật chuyên sâu đặc thù trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; nhà giáo đồng thời vừa giảng dạy vừa tham gia biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu phục vụ đào tạo có yêu cầu đặc thù riêng.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ mục tiêu đào tạo chuyên sâu đặc thù là phát hiện, tuyển chọn học sinh có năng khiếu nghệ thuật để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là nòng cốt, chủ đạo trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của đất nước; có đức, có tài, có năng lực biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa nghệ thuật của Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Ý kiến ()