Gỡ vướng cho cụm công nghiệp
Các cụm công nghiệp (CCN) có vai trò rất quan trọng trong thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp – dịch vụ khu vực nông thôn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế các khu vực này theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.
Tuy nhiên, cơ chế khuyến khích đầu tư cũng như việc thực thi chính sách liên quan CCN hiện nay còn nhiều vướng mắc, hạn chế dẫn đến việc phát triển CCN chưa đồng đều, kém hiệu quả.
Hạ tầng thiếu hoàn chỉnh
Trong số 53 CCN thuộc quy hoạch phát triển của tỉnh Nghệ An, hiện có 24 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút được 253 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê đất, tạo việc làm cho hơn 22 nghìn lao động; giá trị sản xuất đạt xấp xỉ 3.650 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách hằng năm khoảng 450 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Công thương Nghệ An, sự phát triển của CCN trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đáp ứng nhu cầu thuê đất để đầu tư sản xuất của doanh nghiệp, tạo điều kiện di dời cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm vào sản xuất tập trung; đồng thời, giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn vốn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lượng lớn lao động nông thôn. Các CCN đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy hạ tầng thương mại – dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các CCN ở Nghệ An còn thiếu đồng bộ, chắp vá, nhất là ở hạng mục hệ thống thu gom, xử lý nước thải, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ðây là tình hình chung của đa số CCN trên cả nước hiện nay. Theo báo cáo của Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương), hiện chỉ có 141 trong tổng số 730 CCN (khoảng 20%) đã đi vào hoạt động hoàn thiện được công trình xử lý môi trường chung. Gần 600 CCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và đang rất cần chỉ đạo, xử lý dứt điểm tình trạng này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, tại Quảng Ngãi đã có 15 CCN đi vào hoạt động, thu hút hơn 180 doanh nghiệp thuê đất, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Tuy vậy, hạ tầng kỹ thuật của các CCN chưa được đầu tư đồng bộ do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, thiếu hệ thống thu gom, xử lý nước thải đã khiến việc thu hút doanh nghiệp bị hạn chế, chủ yếu chỉ lựa chọn được các doanh nghiệp ít gây ô nhiễm môi trường như dệt may.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư
Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương, nếu giao cho doanh nghiệp đầu tư CCN sẽ giải được bài toán về nguồn lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ hơn và thu hút đầu tư tốt hơn. Thực tế, hầu hết các CCN có hệ thống xử lý môi trường hoàn thiện đang hoạt động đều do doanh nghiệp làm chủ. Chính vì vậy, các địa phương rất muốn chuyển giao các CCN đang hoạt động kém hiệu quả cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và quản lý. Tuy nhiên, Nghị định 68/2017/NÐ-CP về quản lý, phát triển CCN và các văn bản hướng dẫn liên quan mới chỉ quy định việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trong giai đoạn thành lập, mở rộng. Ðối với trường hợp CCN đã được đền bù giải phóng một phần mặt bằng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển chủ đầu tư cũng như hình thức lựa chọn chủ đầu tư mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến chia sẻ, nguồn ngân sách địa phương hiện chưa thể bố trí để giao đơn vị sự nghiệp nhà nước đầu tư hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu cho các CCN. Trong khi đó, nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng nhận chuyển giao lại các CCN này, nhưng đều vướng thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó, có trường hợp nhà đầu tư CCN kém năng lực, để các dự án kéo dài trong khi các nhà đầu tư khác đủ năng lực và sẵn sàng nhận lại dự án, nhưng cũng không thể tham gia do chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó, Thái Nguyên kiến nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ ban hành hướng dẫn để tỉnh có thể sớm chuyển giao CCN cho nhà đầu tư mới hiệu quả hơn. Mặt khác, ưu đãi cho các doanh nghiệp thuê đất trong CCN hiện thấp hơn nhiều so trong khu công nghiệp. Nếu cân bằng được các mức ưu đãi này, Thái Nguyên chắc chắn sẽ thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư lớn, thậm chí cả các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào CCN.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm, Hòa Bình là tỉnh miền núi nên địa hình khó phát triển khu công nghiệp lớn, chỉ thích hợp với các CCN có quy mô vừa và nhỏ. Nhưng hiện nay việc phát triển CCN ở Hòa Bình đang vướng các quy định liên quan đến tỷ lệ lấp đầy trong Nghị định 68/2017/NÐ-CP. Cụ thể, với địa hình trải dài khoảng 200 km, nếu phải chờ các CCN phía gần Hà Nội lấp đầy hơn 60% mới được tiếp tục phát triển các CCN khác ở đầu bên kia sẽ rất vướng cho phát triển công nghiệp của tỉnh. Do đó, Hòa Bình đề xuất cần xem xét lại các quy định về tỷ lệ lấp đầy của CCN sao cho phù hợp hơn với thực tế của từng địa phương, vùng miền, nhất là cho khu vực miền núi.
Trước đề xuất của các địa phương, Bộ Công thương cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các kiến nghị để giải quyết một cách nhanh và phù hợp nhất. Trong đó, tập trung sớm xây dựng các hướng dẫn về thủ tục chuyển giao việc đầu tư và quản lý CCN cho các doanh nghiệp theo mô hình “đầu tư công, quản trị tư”. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng phân cấp thẩm quyền cho UBND các địa phương theo chủ trương của Chính phủ để tạo thuận lợi triển khai các CCN. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của các Sở Công thương trong phát triển CCN. Thực tế hiện nay, dù Sở Công thương là cơ quan đầu mối quản lý CCN trên địa bàn cấp tỉnh, nhưng để đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất kinh doanh trong CCN, doanh nghiệp phải liên hệ, thực hiện thủ tục tại nhiều cơ quan khác nhau.
Theo Nhandan
Ý kiến ()