Gỡ rối khủng hoảng ở Trung Đông - Bắc Phi
Khu vực Trung Đông – Bắc Phi trải qua năm 2020 nhiều biến động, với mối quan hệ “căng như dây đàn” giữa I-ran với Mỹ và đồng minh, xung đột tiếp diễn ở nhiều quốc gia, song “ánh sáng cuối đường hầm” hé lộ trên hành trình tìm kiếm hòa bình và tháo gỡ bế tắc cho các cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, duy trì ổn định và phát triển vẫn là “bài toán khó” đối với khu vực nhiều điểm nóng này.
Đối đầu nguy hiểm
Quan hệ Mỹ – I-ran leo thang căng thẳng ngay đầu năm 2020. Vụ máy bay không người lái của Mỹ không kích sân bay Bát-đa (I-rắc), khiến Tướng C.Xô-lây-ma-ni, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC) chết, đã mở màn cho hàng loạt động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và I-ran. Tê-hê-ran trả đũa bằng các vụ phóng tên lửa vào căn cứ Mỹ ở I-rắc nhằm tiêu diệt “cỗ máy quân sự” của Lầu năm góc. Các vụ việc này đã châm ngòi cho căng thẳng leo thang và cũng là nguyên nhân dẫn tới thảm họa hàng không đáng tiếc, khi quân đội I-ran bắn nhầm máy bay chở khách của U-crai-na vì tưởng đây là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Để bảo vệ các lực lượng hiệu quả hơn, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng không Patriot tại các căn cứ quân sự ở I-rắc, trong khi I-ran phản đối và cho rằng, Oa-sinh-tơn đẩy khu vực Trung Đông lún sâu vào bất ổn an ninh.
Đối với “hồ sơ hạt nhân I-ran”, chính quyền Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đã thực thi chính sách gây sức ép tối đa, thông qua việc gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế, cùng các hành động răn đe, đẩy quan hệ Mỹ và I-ran vào tình trạng đối đầu nguy hiểm. Lệnh trừng phạt của Mỹ khiến đồng nội tệ I-ran mất giá kỷ lục (hơn 60%), lạm phát tăng phi mã, xuất khẩu dầu mỏ sụt giảm mạnh, ảnh hưởng nặng nề tới nguồn thu ngân sách của Tê-hê-ran. Đòn trừng phạt của Mỹ giáng mạnh vào lĩnh vực dầu mỏ, “xương sống” của nền kinh tế I-ran, khiến nguồn thu từ xuất khẩu “vàng đen” của quốc gia Hồi giáo giảm tới 80%. Tìm mọi cách cản trở Liên hợp quốc (LHQ) dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran nhưng không thành, chính quyền Tổng thống Đ.Trăm đã kích hoạt “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ, một bước đi đơn phương gây tổn hại tới thỏa thuận hạt nhân mà I-ran ký với các cường quốc nhóm P5 1, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Đáp trả các động thái từ phía Mỹ, I-ran cắt giảm thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó tăng lượng u-ra-ni làm giàu, đẩy cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran lâm vào bế tắc. Bên cạnh đó, quốc gia Hồi giáo liên tiếp có các động thái biểu dương sức mạnh quân sự, như lên kế hoạch chế tạo tàu ngầm hạt nhân, tuyên bố phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên…
Mới đây nhất, việc nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của I-ran bị sát hại đã “thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ đối đầu giữa I-ran với phương Tây. Với cáo buộc I-xra-en, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông, “đóng vai trò” trong vụ việc này, I-ran đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng đáp trả. Những vụ việc xảy ra khép lại một năm đầy sóng gió đối với “hồ sơ hạt nhân I-ran”, đẩy quan hệ Mỹ – I-ran lên đỉnh điểm căng thẳng, đưa khu vực cận kề nguy cơ một cuộc chiến tranh nóng. Trong nỗ lực làm dịu đối đầu Mỹ-I-ran, việc Hội đồng Bảo an LHQ không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Tê-hê-ran là nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết theo JCPOA, một văn kiện duy nhất hiện nay được coi là trụ cột chính của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và cần được thực thi để duy trì sự ổn định ở khu vực.
Ánh sáng cuối đường hầm
Trong bức tranh ảm đạm của Trung Đông – Bắc Phi, đã xuất hiện những “điểm sáng” trong hợp tác giữa một số nước A-rập với I-xra-en, cũng như nỗ lực tháo gỡ bế tắc các cuộc khủng hoảng kéo dài ở Xy-ri, Li-bi. Với nỗ lực thúc đẩy của Mỹ, I-xra-en đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Ba-ren và Xu-đăng. Đây là bước đột phá lớn nhất trong quan hệ giữa I-xra-en với khối các nước A-rập trong 26 năm qua, tính từ thời điểm I-xra-en ký hiệp định hòa bình với Gioóc-đa-ni năm 1994. Các thỏa thuận mới mở đường thúc đẩy hợp tác giữa I-xra-en với một số nước A-rập, giúp Nhà nước Do thái từng bước phá vỡ thế bị cô lập tại khu vực, đồng thời tạo động lực thúc đẩy xu thế hợp tác, hòa giải cần thiết ở Trung Đông.
Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa thể hóa giải vấn đề gai góc nhất trong cuộc xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin, thậm chí gây hoài nghi giữa các nước A-rập về thực hiện cam kết thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông và sự kiên định hướng tới giải pháp hai nhà nước. Pa-le-xtin đã phản đối mạnh mẽ việc các nước A-rập ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với I-xra-en khi chưa có giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin. Trong khi đó, tiến trình hòa bình Trung Đông chịu tác động tiêu cực sau khi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm công bố “kế hoạch hòa bình Trung Đông” gây tranh cãi, cho phép I-xra-en sáp nhập các khu định cư Do thái tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Pa-le-xtin. Văn kiện của Mỹ bị Pa-le-xtin và nhiều nước trên thế giới phản đối, cho là Mỹ thiên vị đồng minh I-xra-en và đây không phải là giải pháp cho hòa bình Trung Đông. Mặc dù Tổng thống Mỹ gọi các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với các nước A-rập là “bình minh của Trung Đông mới” và các văn kiện này giúp mở ra trang mới cho hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và an ninh quốc phòng giữa hai bên, song chưa thể đem lại hòa bình lâu dài cho khu vực, nếu không giải quyết vấn đề cấp thiết hơn, đó là cuộc xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin. Hơn nữa, mối quan hệ hòa bình giữa I-xra-en và các nước A-rập còn bị cho là có thể trở thành nền tảng để Mỹ tạo ra một liên minh sức mạnh mới nhằm đối phó và kiềm chế ảnh hưởng của I-ran trong khu vực.
Tình hình Li-bi cũng chứng kiến những biến chuyển tích cực khi bế tắc trong cuộc khủng hoảng kéo dài bước đầu được khai thông. Với vai trò trung gian hòa giải của LHQ và nỗ lực ngoại giao quốc tế, các bên tham chiến tại Li-bi đã đạt thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và tiến hành đối thoại chính trị nhằm hướng tới các cuộc bầu cử. Sau khi bị cuốn vào cuộc nội chiến “nồi da nấu thịt” kể từ năm 2011, đất nước Li-bi chìm sâu trong chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái, với hai chính quyền cùng tồn tại. Đây cũng là điều kiện để bên ngoài gia tăng can thiệp vào quốc gia Bắc Phi. Tình hình Li-bi trở nên phức tạp khi các phe phái đối lập ở nước này nhận sự hậu thuẫn và cung cấp vũ khí từ bên ngoài, “tiếp lửa” cho các cuộc xung đột leo thang, biến Li-bi trở thành bãi chiến trường và “lò đào tạo” khủng bố, gây bất ổn khu vực. Bởi thế, thỏa thuận ngừng bắn đạt được đã giúp chấm dứt xung đột, cho phép các cơ sở khai thác dầu mỏ và các tuyến đường giao thông nội địa ở Li-bi hoạt động trở lại, tạo thuận lợi để Li-bi dần dần phục hồi kinh tế và tiến hành các cuộc đối thoại chính trị tiếp theo. LHQ, Liên hiệp châu Âu (EU) và cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ Li-bi bảo vệ tiến trình hòa bình còn mong manh, đưa quốc gia Bắc Phi trở lại quỹ đạo ổn định và phát triển.
Những diễn biến liên quan các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông – Bắc Phi cho thấy, khu vực có vị trí địa – chính trị chiến lược này tiếp tục chịu sự chi phối mạnh mẽ từ những toan tính chiến lược của Mỹ. Với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” và tham vọng “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chính sách của chính quyền Tổng thống Đ.Trăm tại Trung Đông đã tối đa hóa lợi ích của Mỹ, bất chấp các động thái gây tranh cãi và làm “tăng nhiệt” các điểm nóng.
Trong bối cảnh đó, các nỗ lực trung gian không ngừng nghỉ của LHQ, nhất là các thành viên trong Hội đồng Bảo an, cùng nhiều nước trong khu vực, đã đem lại những tiến triển tích cực, giúp gỡ rối bế tắc cho các cuộc khủng hoảng, mở ra tia hy vọng về “ánh sáng cuối đường hầm” cho hòa bình ở khu vực chảo lửa Trung Đông – Bắc Phi.
Ý kiến ()