Gỡ nút thắt trong công tác giải phóng mặt bằng dự án
– Giải phóng mặt bằng là lĩnh vực khó, phức tạp vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất. Vì vậy, để tạo mặt bằng thực hiện các dự án, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Trong năm 2022, toàn tỉnh tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng 122 dự án, trong đó, có 23 dự án trọng điểm cấp tỉnh và 99 dự án trọng điểm cấp huyện, thành phố với tổng diện tích đất thu hồi khoảng hơn 1.500 ha với hơn 10.000 hộ bị ảnh hưởng.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác thi công, giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B
Khối lượng công việc rất lớn, do đó, để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh, tháng 4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đối với cấp huyện, thành phố, ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cũng được kiện toàn, do các đồng chí bí thư thành uỷ, huyện uỷ làm trưởng ban và xây dựng quy chế hoạt động, thành lập tổ giúp việc, phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đảm nhiệm từng dự án trọng điểm. Đây là điểm mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải phóng mặt bằng so với những năm trước đây.
Song song với đó, để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng dự án theo quý để đôn đốc việc tổ chức thực hiện. Hằng tuần, UBND các huyện, thành phố đều tổ chức họp giao ban đánh giá tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm và hằng tháng, ban chỉ đạo cấp huyện họp kiểm điểm tiến độ. Đối với trung tâm phát triển quỹ đất – đơn vị trực tiếp thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án cũng được tăng cường nhân lực để nâng cao hiệu quả hoạt động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất triển khai các dự án.
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc cho biết: năm 2022, huyện triển khai 6 dự án trọng điểm của tỉnh, khối lượng công việc rất lớn, do đó, để bảo đảm công việc, trung tâm đã được huyện bổ sung thêm 4 cán bộ nâng tổng số cán bộ của trung tâm lên 23 người và huyện đang tiếp tục tuyển dụng thêm khoảng 10 cán bộ nữa để tăng cường cho công tác giải phóng mặt bằng. Cũng nhờ cán bộ được tăng cường, việc triển khai các công việc của trung tâm đã được thực hiện hiệu quả hơn, công tác giải phóng mặt bằng có chuyển biến tích cực so với những năm trước.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nghiệp vụ về công tác giải phóng mặt bằng, các huyện, thành phố cũng chỉ đạo trung tâm phát triển quỹ đất, các phòng, ban liên quan phối hợp với các tổ chức đoàn thể và UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng để tạo đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 8/2022, các huyện đã thực hiện gần 300 cuộc đối thoại để giải đáp, tiếp thu các ý kiến thắc mắc đối với trên 850 lượt hộ với các nhóm hộ bị thu hồi đất thực hiện các dự án.
Ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Xác định công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, do đó, không chỉ trung tâm phát triển quỹ đất, phòng tài nguyên và môi trường thực hiện đối thoại, tuyên truyền, vận động mà trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện uỷ, đồng chí Chủ tịch UBND huyện cũng thường xuyên tham gia gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bị thu hồi đất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng các công trình trên địa bàn theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cùng đó, các sở, ngành chức năng cấp tỉnh cũng phối hợp có hiệu quả với các địa phương trong công tác rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các dự án của các nhà đầu tư; tổ chức tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc cụ thể về giải phóng mặt bằng đối với từng dự án theo thẩm quyền. Ông Chu Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Bên cạnh tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường hỗ trợ; phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh xây dựng giá đất cụ thể, trong năm 2022, sở đã phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục kiện toàn tổ giúp việc, tham mưu với UBND tỉnh thực hiện giải pháp kiểm tra, xác minh và áp dụng biện pháp hỗ trợ khác thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đối với người bị thu hồi đất. Trong 8 tháng đầu năm 2022, các sở, ngành đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức họp chuyên đề được 7 cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đối với 74 lượt dự án. Qua đó, thực hiện hỗ trợ cho hơn 100 lượt trường hợp bị thu hồi đất được hưởng cơ chế áp dụng hỗ trợ khác, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị thu hồi đất.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh năm 2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến đầu tháng 8/2022, trong số 122 dự án các huyện, thành phố đã thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao được hơn 200 ha, tăng 70 ha so với cùng kỳ năm 2021 (cả năm 2021, toàn tỉnh bàn giao được 330 ha) để các chủ đầu tư thực hiện xây dựng các công trình. Thực hiện chi trả kinh phí bồi thường gần 400 tỷ đồng cho khoảng 2.000 lượt hộ gia đình. Trong đó, riêng các dự án trọng điểm của tỉnh, các huyện, thành phố đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được gần 80 ha để triển khai các hạng mục. Cụ thể như dự án Khu trung chuyển hàng hoá giai đoạn 1 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% kế hoạch; dự án Khu đô thị mới Bến Bắc, thành phố Lạng Sơn giải phóng mặt bằng đạt 90%; dự án Hạ tầng Khu tái định cư và dân cư Hữu Khánh, huyện Lộc Bình giải phóng mặt bằng đạt 91%…
Bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhất là các dự án trọng điểm. Đây là tín hiệu tích cực để tỉnh thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ hiệu quả công tác thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn
“Hiện thành phố Lạng Sơn đang triển khai 41 dự án với ổng diện tích theo thông báo thu hồi đất 563,8 ha, ảnh hưởng tói 4.491 hộ và 55 tổ chức, trong đó có 7 dự án trọng điểm của tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, thành phố đã thành lập 7 tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc tại từng dự án. Theo đó, thành phần các tổ chuyên trách là những cán bộ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư. Các tổ công tác vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giải phóng mặt bằng vừa tổng hợp, rà soát các vướng mắc phát sinh tại các dự án để tham mưu đề xuất giải pháp tháo gỡ một cách kịp thời. Nhờ phát huy vai trò của tổ công tác cùng với sự vào cuộc sát sao, tích cực của cả hệ thống chính trị, trong 8 tháng đầu năm 2022, kết quả bàn giao mặt bằng các dự án đạt 16 ha vượt gần 2 ha so với cả năm 2021.”
Ông Hoàng Văn Chiều, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình
“Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án không thể tránh khỏi những kiến nghị, khiếu nại, thắc mắc của người bị thu hồi đất thực hiện các dự án. Do đó, UBND huyện Lộc Bình đã thành lập tổ giải quyết đơn thư chuyên trách cấp huyện, thành phần của tổ giải quyết đơn thư gồm lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra huyện, Phòng Tư pháp và chuyên viên của các phòng ban, cán bộ tư pháp xã. Mục tiêu đặt ra là huy động trí tuệ tập thể của các ngành giải quyết triệt để các đơn thư phát sinh theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm công khai minh bạch. Kết quả trong 8 tháng đầu năm 2022, tổ công tác đã tiếp nhận 94 đơn kiến nghị liên quan đến giải phóng mặt bằng. Qua rà soát, kiểm tra, tổ công tác đã trả lời, giải quyết 84 đơn, 10 đơn đang thực hiện xác minh giải quyết. Số đơn kiến nghị được giải quyết đúng và trước hạn tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021. Qua đó, góp phần giải toả những thắc mắc của người bị thu hồi đất, từ đó thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, hạn chế gia tăng khiếu kiện đông người liên quan đến giải phóng mặt bằng trên địa bàn.”
Ý kiến ()