Gỡ nút thắt, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 14/3 tại Trụ sở Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao kết quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm được các cân đối lớn của đất nước.
Tuy vậy, bối cảnh doanh nghiệp còn hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp còn “than” thiếu vốn trong khi tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng 2 tháng đầu năm lại sụt giảm; đang đặt ra vấn đề làm sao để giải quyết tốt bài toán tỷ giá, lãi suất cũng như tìm ra điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ để bảo đảm việc cung ứng vốn được kịp thời, đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất, kinh doanh.
Ổn định tỷ giá, giảm tiếp lãi vay
Từ góc độ là một doanh nghiệp có quy mô chỉ chiếm 5% lao động và kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 8% của toàn ngành dệt may, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường đã mạnh dạn đưa ra so sánh tương quan giữa chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là chính sách tỷ giá, với một số quốc gia cạnh tranh khác, để có đề xuất liên quan đến mục tiêu đẩy mạnh các ngành xuất khẩu. Theo ông Trường, trong 2 năm 2022-2023, sau đại dịch Covid-19 và trở lại phục hồi, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Banglades, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đều sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Cụ thể: nước giảm giá nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 50%), tiếp đến là Banglades (giảm 21%) và Trung Quốc (giảm 11%). Tại Việt Nam, tính chung 2 năm vừa qua, tiền đồng giảm khoảng 5%, nhưng với mức giảm này thì các ngành xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn so với các quốc gia khác. “Đứng riêng về tương quan tỷ giá hối đoái, trong 2 năm này, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong top 5 cỡ khoảng 15%. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến 2 năm 2022 và 2023, ngành xuất khẩu dệt may giảm đến 10% và là nước giảm nhiều nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Trong khi đó, là một doanh nghiệp đang có dư nợ vay ngoại tệ khoảng 38 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1,55 tỷ USD), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng lại đánh giá cao sự điều hành tỷ giá khá ổn định trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước. “Biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá. Rất mừng là thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định”, ông Lê Mạnh Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, đối với PVN, do cơ cấu về tài sản và cơ cấu nợ, nhất là tín dụng trong toàn tập đoàn hợp nhất đến nay là khoảng 240.000 tỷ đồng; nên nếu tăng 1% lãi suất thì chi phí vốn của tập đoàn sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. Chính vì thế, việc cơ cấu lại vốn, tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các dự án đầu tư của PVN là rất quan trọng, giúp cho các dự án đầu tư nói riêng và toàn tập đoàn giảm được chi phí vốn, chi phí sử dụng vốn bình quân trong từng dự án. “Trong thời gian tới, theo kế hoạch 2021-2025, PVN có kế hoạch huy động khoảng 250,3 nghìn tỷ đồng từ tín dụng cho đầu tư phát triển và với ảnh hưởng độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn của PVN như vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp nói chung”, lãnh đạo Petrovietnam mong muốn.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cũng chia sẻ, thực tế, tập đoàn đã được vay với lãi suất giảm rất nhiều so với năm trước. “Tuy vậy, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Cụ thể là hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước là khá lớn (từ 4 đến 5%). Doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi”, ông Đặng Minh Trường cho biết.
Cũng liên quan đến mong muốn cần giảm tiếp lãi suất cho vay, ông Lê Tiến Trường chia sẻ thêm, hiện lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 của Vinatex trên báo cáo hợp nhất tăng 10% so năm 2022, trong khi tổng dư nợ của tập đoàn giảm 11%. “Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả cũng tăng 30%. Và đứng trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1 và 2/2024 đến giờ phút này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023”, ông Trường nhận xét.
Nâng hạn mức, khơi thông kênh dẫn vốn
Bên cạnh mong muốn tỷ giá ổn định, lãi suất được điều hành một cách tối ưu và lãi suất cho vay tiếp tục giảm, thì việc làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng một cách thuận tiện, nhiều hơn nữa, cũng đang là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp lưu tâm. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường, mặc dù các doanh nghiệp dệt may không gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, nhưng trong suốt 18 tháng qua, ngành sản xuất nguyên liệu lại rất gặp khó trong vấn đề này, đặc biệt cuối năm 2023, đầu năm 2024 khi các ngân hàng xem xét hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp ngành sợi. “Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản bảo đảm 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Do vậy, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sợi trong năm 2024, không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định, để doanh nghiệp bảo đảm được nguồn huy động tài chính và duy trì được sản xuất”, ông Lê Tiến Trường đề nghị.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, hiện tập đoàn đang có số dư nợ tại các ngân hàng khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhu cầu vốn của các thành viên trong tập đoàn sẽ lớn hơn nữa, vì vậy tập đoàn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các tổ chức tín dụng để có đủ nguồn vốn triển khai các dự án. Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp-Becamex Quảng Văn Viết Cương mong muốn các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối nguồn vốn tín dụng tốt nhất, bảo đảm lĩnh vực mới như phát triển năng lượng tái tạo có cơ hội phát triển vì hiện nay lĩnh vực này chưa có ưu đãi đặc biệt, khác biệt so với những quy định hiện tại.
Như vậy có thể thấy, để khơi thông dòng vốn thì còn khá nhiều điểm nghẽn mà cả ngân hàng và doanh nghiệp cần nỗ lực chung tay tháo gỡ. Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, để xử lý triệt để cần có những cuộc khảo sát trực tiếp những vướng mắc điển hình để xử lý, từ đó đưa ra các giải pháp chung nhằm giải quyết nhanh những bất cập, làm tăng cơ hội giải ngân cho hệ thống ngân hàng. Agribank cam kết đồng hành, có chính sách tín dụng ưu đãi với các doanh nghiệp để chuyển đổi xanh thành công. Nhưng động lực tăng trưởng căn bản vẫn là giải quyết những vấn đề liên quan đến đầu tư công, chính sách tài khóa,... từ đó có thể tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời qua đó kỳ vọng vào thu nhập của người dân sẽ tăng lên, kích thích tiêu dùng, từ đó cầu tín dụng mới có khả năng tăng lên.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). “Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế”, ông Đào Minh Tú khẳng định ■
Ý kiến ()