Gỡ nút thắt phân luồng học sinh THCS sang học nghề
Các nút thắt về phân luồng học sinh từ trung học cơ sở được tháo gỡ, làm thay đổi căn bản nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp….
Tuyển sinh vượt kế hoạch
Một trong những dấu ấn đặc biệt của ngành lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) năm 2020 là dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng lĩnh vực GDNN đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đặc biệt, công nhận ngày 04/10 hằng năm là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 01/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ) để tôn vinh và lan tỏa giá trị của lao động có kỹ năng nghề, phát triển GDNN.
Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định, các nút thắt về phân luồng học sinh từ trung học cơ sở được tháo gỡ, làm thay đổi căn bản nhận thức của xã hội về GDNN.
Tiếp tục triển khai đào tạo thí điểm cho khoảng 1.037 sinh viên trình độ cao đẳng theo 22 bộ chương trình chuyển giao từ CHLB Đức (sinh viên tốt nghiệp được cấp 02 bằng: bằng cao đẳng của Việt Nam và bằng của Đức); hoàn thành thí điểm đào tạo chương trình chuyển giao từ Úc. Trong đó, có 725 sinh viên tốt nghiệp, 100% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm ngay hoặc tiếp tục học lên các trình độ cao hơn ở trong nước và ngoài nước. Sinh viên đi làm có mức thu nhập cao hơn so với sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo bình thường khác từ 20-30%.
Thực hành nghề tin học văn phòng theo chương trình đào tạo 9 tại Trường CĐ Cơ khí nông nghiệp |
Cùng với đó, Bộ đã triển khai chương trình đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng đối với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở, góp phần đẩy mạnh phân luồng và nâng cao chất lượng tuyển sinh.
Song song đó, các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai, trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho lao động bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng chú ý, theo Bộ LĐ-TB&XH, các cơ sở GDNN đã áp dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động và năng lực tư duy, sáng tạo của người học. Ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ sở GDNN được đẩy mạnh và đem lại kết quả tích cực; nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện chuyển hướng tuyển sinh, đào tạo và quản lý kết quả đào tạo trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Nhiều mô hình, cách làm mới mang tính đột phá đã được triển khai như: mô hình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS, mô hình đào tạo chất lượng cao theo chương trình chuyển giao của nước ngoài; tuyển sinh gắn với tuyển dụng; hội đồng kỹ năng ngành; đại sứ nghề… Hoạt động hợp tác giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp được tăng cường.
Với những nỗ lực trên, năm 2020 cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người (đạt 100,9% kế hoạch); tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người.
Mạng lưới các cơ sở GDNN tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo lộ trình, tính đến nay cả nước có 1.911 cơ sở GDNN (408 trường cao đẳng, 446 trường trung cấp và 1.057 trung tâm GDNN), trong đó có 686 cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 35,8%).
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Năm 2021 và thời gian tới dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc ngay, còn tiếp tục ảnh hưởng, tác động tiêu cực kéo dài đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030.
Trong bối cảnh ấy, Bộ LĐ-TB&XH xác định nhiệm vụ đặt ra cho ngành rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của toàn ngành. Bộ đặt mục tiêu bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực GDNN, Bộ xác định tập trung xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới, phát triển GDNN trong tình hình mới; xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện tốt Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Thực hiện phân tầng cơ sở GDNN và phân tầng chất lượng đào tạo; chú trọng đầu tư các trường chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo; phát triển một số trường chất lượng cao tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; trong đó, đẩy mạnh phân luồng học sinh từ trung học cơ sở và trung học phổ thông vào các cơ sở GDNN. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới GDNN; trọng tâm là hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo, nâng cao chất lượng GDNN; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra.
Đặc biệt, tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và sau đào tạo; xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp (chuẩn đào tạo, chuẩn trường, chuẩn đội ngũ, chuẩn thiết bị đào tạo, định mức kinh tế – kỹ thuật, giá dịch vụ đào tạo…), tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và thực hiện kiểm định chất lượng GDNN.
Đẩy mạnh phát triển kỹ năng nghề theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hội nhập quốc tế theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia gắn với công tác dự báo nhu cầu kỹ năng theo thị trường và phát triển bền vững.
Ngoài ra, tăng cường đào tạo nghề lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp. Xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ hoạt động dạy và học ngoại ngữ; đẩy mạnh triển khai tự chủ của các cơ sở GDNN; có chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở GDNN; thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo chất lượng cao; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển GDNN./.
Ý kiến ()