Gỡ “nút thắt” mặt bằng và nguồn vật liệu cho đường cao tốc bắc-nam
Đến nay, các dự án thành phần đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) vẫn bị cản trở tiến độ do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu khan hiếm, không đủ cung ứng cho thi công, mặc dù tiến độ theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2025.
Dự án cao tốc bắc-nam phía đông (giai đoạn II), các địa phương đã bàn giao mặt bằng gần 689 km, đạt 95,5%. |
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phía nam hỗ trợ nhà thầu được khai thác mỏ vật liệu để cung cấp đủ khối lượng cát, phục vụ xây dựng.
Trong Chỉ thị 06/CT-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau Tết ban hành ngày 15/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời lượng khá lớn chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan có giải pháp hữu hiệu gỡ “nút thắt” về giải phóng mặt bằng và thủ tục cấp phép mỏ để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Cấp thiết giao mặt bằng “sạch” trong quý I
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương có các tuyến cao tốc đi qua (hoặc cơ quan chủ quản các dự án được Chính phủ giao chịu trách nhiệm) bổ sung nhân lực, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung xây dựng các khu tái định cư để ổn định cuộc sống của người dân.
Đồng thời, các cơ quan chức năng phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành phương án và tổ chức di dời đường điện cao thế; các địa phương chậm bàn giao mặt bằng các dự án đường bộ cao tốc cần khẩn trương hoàn thành, bàn giao toàn bộ mặt bằng “sạch” cho chủ đầu tư, nhà thầu ngay trong quý I này để tăng tốc thi công.
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, thời điểm này, tại dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông (giai đoạn II), các địa phương đã bàn giao mặt bằng gần 689 km, đạt 95,5%; trong đó, phạm vi mặt bằng có thể triển khai thi công đạt hơn 669 km, đạt 94%. Đoạn tuyến cao tốc Bãi Vọt (Hà Tĩnh)-Cam Lộ (Quảng Trị) gồm 5 dự án thành phần, tổng chiều dài 259 km, tổng mức đầu tư hơn 49.207 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025, đã bàn giao mặt bằng đạt 94% nhưng thực tế chỉ tổ chức thi công được khoảng 210 km, đạt 93%. Phần mặt bằng còn lại chủ yếu là đất thổ cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật, thủ tục di dời phức tạp và liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
Tại các dự án đường cao tốc khác như dự án thành phần 2 đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk; Vạn Ninh-Cam Lộ tại địa bàn Quảng Bình, Quảng Trị; Hòa Liên-Túy Loan (thành phố Đà Nẵng); Tuyên Quang-Hà Giang (Tuyên Quang),… tiến độ giải phóng mặt bằng ở các địa phương này còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, tại dự án Biên Hòa-Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai chưa bàn giao được mặt bằng của dự án thành phần 1, dự án thành phần 2 mới bàn giao đạt 13%; dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có dự án thành phần 4 bàn giao đạt 6%.
Qua rà soát cho thấy, trong tổng số 148 khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc bắc-nam, đến nay mới có 104 khu hoàn thành. “Mặc dù thời gian qua, các địa phương rất quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng để đáp ứng tiến độ thi công nhưng so với yêu cầu, việc xây dựng các khu tái định cư, di dời đường điện cao thế vẫn còn khá chậm chạp. Các địa phương cần tập trung tối đa để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý I/2024. Đây là điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án năm 2025”, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.
Hoàn thành thủ tục, nâng công suất mỏ
Mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã kiểm tra thực tế công trường và làm việc với tỉnh An Giang về việc cung cấp nguồn vật liệu cát cho dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, do thiếu cát đắp nền, dự án đã bị chậm tiến độ khoảng 6 tháng so với kế hoạch. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long phải ưu tiên bố trí nguồn cát cho dự án đường cao tốc trên; trong đó An Giang được giao 7 triệu mét khối, Đồng Tháp 7 triệu mét khối và Vĩnh Long 5 triệu mét khối.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ Giao thông vận tải sẵn sàng hỗ trợ để An Giang khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp 5 mỏ cát đã giao để nhà thầu trực tiếp khai thác. Tỉnh cần rà soát thêm các mỏ để cấp mới.
Với những mỏ đang khai thác thương mại còn trữ lượng hoặc đã đóng cửa nhưng còn có thể khai thác, cần hoàn thiện thủ tục để có thêm nguồn cung theo chỉ đạo của Thủ tướng nhưng phải bảo đảm đúng quy định, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu được giao mỏ cát cần phối hợp với các cơ quan của tỉnh đánh giá kỹ tác động môi trường để có hướng đề xuất phù hợp cho việc nâng công suất khai thác, sớm đưa cát về công trường.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) Trần Văn Thi cho biết, đến nay tỉnh An Giang đã xác định được nguồn cung khoảng 6 triệu mét khối, vẫn còn thiếu 1 triệu mét khối theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tuy nhiên, công suất được phép khai thác cũng rất hạn chế, trường hợp huy động cao nhất phương tiện, khai thác tối đa toàn bộ các mỏ (kể cả huy động ở Đồng Tháp và Vĩnh Long), sản lượng cao nhất mới đạt 34.000 m3/ngày, trong khi nhu cầu dự án mỗi ngày cần 55.000-60.000 m3.
Do vậy, để đáp ứng mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị lãnh đạo tỉnh An Giang cấp bản xác nhận đối với 5 mỏ đã trình hồ sơ làm cơ sở để các nhà thầu thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí ngay trong tháng 1 và tổ chức khai thác từ tháng 2.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đối với dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Cà Mau, các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp khẩn trương cấp bản xác nhận theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để nhà thầu hoàn thiện thủ tục, có thể khai thác trước ngày 20/2.
Tỉnh cần hỗ trợ nhà thầu được khai thác tối đa về công suất và thời gian để bảo đảm sản lượng; rà soát, xem xét phương án tăng công suất các mỏ đã cấp (nếu đủ điều kiện); ưu tiên các mỏ gia hạn, nâng công suất để cung ứng cho dự án và giao thêm các mỏ mới cho các nhà thầu, bảo đảm đến cuối tháng 6 tới cung cấp đủ khối lượng cát được Thủ tướng giao về công trường. Các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng triển khai thủ tục giao mỏ cát biển cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Sau nhiều nỗ lực, ngày 18/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã bàn giao 3 mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ-Cà Mau.
Theo đó, tỉnh bàn giao 3 mỏ cát trên sông Hậu (nhánh trái), tổng trữ lượng gần 2,5 triệu mét khối cho hai nhà thầu Trung Nam và Công ty cổ phần Đầu tư xà Xây dựng (VNCN&EC), giúp các nhà thầu chủ động trong thi công. Tỉnh yêu cầu các nhà thầu bảo đảm toàn bộ cát khai thác phải được cung ứng cho dự án, khi kết thúc, phải hoàn thiện các thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường theo đúng quy định.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công làm tiền đề để hoàn thành các dự án đúng tiến độ.
Chính quyền địa phương tham gia cùng chủ đầu tư, nhà thầu làm việc, thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá, cũng như hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng khu vực mỏ. Trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức vi phạm, cần xử lý nghiêm theo pháp luật; sử dụng các chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất mỏ.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()